Thủ tướng Anh Theresa May đang phải chịu sự phản đối từ nội bộ nước này đối với kế hoạch Brexit. Ảnh: Getty. |
Ngày 14/10, Anh và Liên minh châu Âu đã chấm dứt một loạt các cuộc đàm phán mà không đạt được một thỏa thuận nào về Brexit. Hiện tại, hai bên chỉ còn ba ngày để xóa bỏ các bất đồng trước cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 17/10 tới.
Sau cuộc gặp mặt bất ngờ giữa Thư ký Brexit của Anh, ông Dominic Raab với nhà đàm phán phía EU Michel Barnier và 27 đại sứ EU tại Brussels, giới quan sát đã dự đoán rằng các bên sắp đạt được thỏa thuận chính thức.
Thông báo trên Twitter hôm 14/10 của ông Barnier làm tiêu tan hy vọng trên: “Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về một số vấn đề quan trọng”. Chướng ngại chính vẫn là mong muốn “tránh hình thành một biên giới khó khăn” giữa Ireland và vùng Bắc Ireland của Vương quốc Anh sau Brexit, ông nói.
Giải pháp “lưới an ninh” (backstop) của EU - nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan với khối EU - đã bị Anh từ chối vì điều này sẽ bao gồm các yêu cầu kiểm tra giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh.
Phương án thay thế - là giữ toàn bộ Vương quốc Anh trong liên minh thuế quan cho đến khi đạt được một thỏa thuận vĩnh viễn - đã khiến các thành viên ủng hộ Brexit của chính phủ Anh bức xúc. Họ cho rằng phương án sẽ hạn chế nước này thiết lập các giao dịch thương mại mới với các quốc gia khác trên thế giới. Ý tưởng này cũng là một sự "xúc phạm" đối với đảng Liên minh Dân chủ, một đảng cơ đốc giáo Bắc Ireland chiếm thiểu số trong chính phủ của bà May.
Sau Brexit, biên giới mới được hình thành giữa Bắc Ireland và Ireland sẽ là biên giới trên đất liền duy nhất của Vương quốc Anh với các quốc gia EU. Anh và EU nhất trí rằng sẽ không có các thủ tục hải quan hoặc cơ sở hạ tầng khác tại đây, nhưng vẫn chưa thống nhất về cách thức thực hiện.
Với vị trí đặc biệt của Bắc Ireland, nhiều người muốn giữ sự hội nhập của khu vực này với thị trường chung EU ngay cả sau Brexit. Bản đồ: Google Maps. |
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đang chịu áp lực lớn từ đảng Bảo thủ và các đồng minh trong nghị viện, những người không đưa ra bất kỳ ý kiến xây dựng nào cho cuộc đàm phán, đặc biệt là vấn đề biên giới.
Người tiền nhiệm của ông Raab, David Davis, đã viết trên tờ Sunday Times rằng kế hoạch tiếp tục hợp tác kinh tế chặt chẽ với EU của bà May ngay cả khi Anh đã rời khỏi khối liên minh là “không thể chấp nhận được” và các bộ trưởng phải ngăn chặn điều này.
Vài tháng trước, ông Davis và cựu ngoại trưởng Boris Johnson đã từ chức khỏi nội các Anh để phản đối kế hoạch Brexit chi tiết. Cả hai người này và bà May đều là thành viên đảng Bảo thủ, nhưng ông Davis và ông Johnson đã phản đối kế hoạch của thủ tướng, cho rằng đây là một sự phản bội đối với các cử tri và bỏ mặc các luật lệ của nước này để tiếp tục gắn bó với EU.
Ông Johnson, người thường xuyên lên tiếng chỉ trích kế hoạch Brexit của bà May, cho biết giải pháp “lưới an ninh” của EU khiến nước Anh “phải lựa chọn giữa việc nước này sẽ tách khỏi hoặc bị chinh phục, và giữa việc ra đi hay phục tùng (EU)”.
“Phải từ chối giải pháp này, phải từ chối nó ngay lập tức”, ông Johnson viết.
Kế hoạch Brexit của bà May cũng đã bị các nhà lãnh đạo đảng Lao động, đảng đối lập chính của nước này, từ chối, khiến bà sẽ phải chật vật để đạt được đồng thuận cho kế hoạch Brexit trước cuộc họp nội các vào ngày 16/10, sau đó là hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/10.
Trong một tuyên bố đêm 14/10, chính phủ Anh cho biết vẫn còn "vấn đề chưa được giải quyết" nhưng khẳng định các nhà đàm phán đã có "bước tiến thực sự" về thỏa thuận “ly hôn”. Nước này cũng nói họ cam kết sẽ đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh. Một quan chức EU cho biết hiện cả hai bên đã thống nhất trước rằng nếu có bước tiến trong tuần này thì một cuộc họp đặc biệt vào tháng 11 sẽ là hạn chót để đạt được thỏa thuận cho Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.