Ảnh minh họa |
Ưu tiên cho các mặt hàng đặc biệt
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore Ong Ye Kung, tương lai khi Covid-19 kết thúc không có nghĩa Singapore vẫn còn là trung tâm hàng không thế giới. Trong suốt đại dịch, hàng không gần như đóng băng. Các biên giới quốc tế đóng cửa khiến lưu lượng hành khách sân bay quốc tế Changi giảm mạnh. Số liệu tháng 7/2020 cho thấy, lượng hành khách đã giảm tới 98,5%, lượng vận tải hàng hóa cũng giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trước đại dịch, một nửa lượng hàng hóa hàng không trên thế giới được đặt trong các máy bay chở khách. Số lượng chuyến bay chở khách giảm dẫn đến lượng hàng hóa được vận chuyển cũng ít hơn. Ông Alex Hungate - Chủ tịch, CEO của công ty phụ trách mặt đất sân bay SATS cho biết, do hạn chế về năng lực vận chuyển nên thị trường vận tải hàng không đang dần tập trung vào các loại hàng hóa có mức độ ưu tiên cao. Ông Hungate đánh giá thị trường thực phẩm dễ hỏng vẫn còn khả năng phục hồi, trong khi đó hai thị trường tăng trưởng mạnh nhất là thương mại điện tử và vật tư y tế. Kể từ năm 2019 đến nay, thương mại điện tử đã tăng trưởng khoảng 20% trong khi nhu cầu vật tư y tế dược phẩm đã tăng khoảng 16%. Loại hàng hóa y tế “hot” mà các doanh nghiệp vận tải Singapore đang nhắm vào hiện nay đó là vắc-xin Covid-19. Theo ông Hungate, SATS có một trung tâm giữ lạnh gọi là Coolport, chuyên tập kết những mặt hàng dễ hư hỏng như vắc-xin, thịt tươi..., qua đó góp phần giúp Singapore trở thành một trong số ít nơi trên thế giới sẵn sàng vận chuyển vắc-xin. Coolport của SATS đã được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) chứng nhận là Trung tâm Xử lý dược phẩm xuất sắc đầu tiên trên thế giới.“Điều đó có nghĩa là, chúng tôi đang thu hút nhiều hàng hóa y tế nhạy cảm với nhiệt độ vào Singapore từ các trung tâm cạnh tranh khác trên thế giới”, ông Hungate nói.Ngoài vắc-xin, Coolport cũng có thể bảo quản các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ khác. Năm 2017, SATS đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được Liên minh châu Âu cho phép vận chuyển thịt từ New Zealand đến châu Âu.
Đẩy mạnh vận tải kết hợp hàng hải - hàng không
Sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu vận chuyển vắc-xin Covid-19 khiến các doanh nghiệp vận tải luôn phải không ngừng tìm ra giải pháp giảm thời gian, chi phí vận tải để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một trong số các giải pháp đó là kết hợp hàng hải - hàng không. Với phương thức này, một phần hành trình được thực hiện bằng đường biển và phần còn lại bằng đường hàng không. Các nhà đầu tư cho rằng đây có thể là “chìa khóa” giúp Singapore duy trì vị thế trung tâm trung chuyển sau khi nhiều biên giới quốc tế bị đóng cửa bởi đại dịch Covid-19.Trước đây, việc kết hợp hai phương thức vận chuyển này không phải là lựa chọn phổ biến vì chúng có những ưu điểm riêng. Hàng không nhanh hơn và trực tiếp hơn vì máy bay di chuyển từ điểm đến điểm, do đó các hàng hóa giá trị cao thường ưu tiên phương thức này. Theo một thống kê được thực hiện trước đại dịch của IATA, mặc dù vận tải hàng hóa bằng hàng không chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu nhưng lại chiếm tới 35% giá trị thương mại.Mặt khác, hàng hải gánh vác tới 90% khối lượng hàng hóa thương mại thế giới, 9% cuối cùng là của đường bộ. Do tốc độ vận chuyển chậm hơn hàng không nên chi phí vận tải hàng hải cũng thấp hơn. Hơn nữa, theo ông Hungate, việc hạn chế các chuyến bay đã khiến giá cước vận tải hàng không tăng gấp 10 lần bình thường, dẫn đến chi phí vận tải hàng không thậm chí có thể đắt gấp 20 lần hàng hải, buộc nhiều chủ hàng phải xem xét sử dụng kết hợp cả hai phương thức để đảm bảo hàng hóa được lưu thông liên tục với chi phí không quá cao.Bà Tan Beng Tee - Trợ lý Giám đốc điều hành phát triển tại Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore cho biết: “Singapore hiện có 200 hãng tàu kết nối với 600 cảng biển, đó là một mạng lưới kết nối rất rộng lớn. Nếu chúng ta có thể kết hợp mạng lưới này với hàng không, điều đó sẽ tạo ra một hệ thống rất toàn diện”. Trở ngại lớn nhất hiện nay là giữa hai phương thức này chưa có tiếng nói chung, mỗi phương thức có ngôn ngữ chuyên ngành riêng, cách định giá và tính phí cho người gửi hàng cũng khác nhau.Hiện tại, nhiều bộ, ngành Singapore đang phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra những cơ chế hỗ trợ phát triển vận tải hàng hải - hàng không. Các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có thể đưa ra nhiều chính sách giúp phát triển vận tải đa phương thức, trong đó vấn đề then chốt là phải có các giải pháp để phục hồi ngành Hàng không. “Điều quan trọng nhất lúc này là có thể khôi phục trở lại các chuyến bay chở khách. Với lưu lượng hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng, sự kết nối hiện tại ở sân bay Changi không đủ để thu hút các luồng hàng. Người gửi hàng cũng giống các hành khách, họ không muốn phải dừng quá lâu tại một điểm trung chuyển trước khi bắt đầu nối chuyến. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều chuyến bay hơn để Singapore trở thành một trung tâm sôi động như trước”, ông Hungate nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.