Ảnh minh hoạ |
Ùn tắc hàng hoá tại nhiều cảng biển trên thế giới
Thời gian qua, các hãng vận tải trên thế giới đã triển khai đủ năng lực để xử lý hàng container nhập khẩu từ châu Á, nhưng các trục trặc trong suốt chuỗi cung ứng quốc tế đã làm giảm năng lực cũng như hiệu quả của các tàu đang hoạt động. Các tàu đã bị trì hoãn rời một số cảng xếp hàng ở châu Á, bao gồm Yantian (Thâm Quyến, Trung Quốc) và Ningbo Zhoushan (Chiết Giang, Trung Quốc), vì việc đóng cửa cảng liên quan đến sự bùng phát của dịch COVID-19. Và khi đến các cảng của Mỹ, các tàu bị trì hoãn cập bến có thể kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần.
Ở Mỹ, hiện nay tình trạng tắc nghẽn liên tục và ngày càng gia tăng tại các cảng bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Điều này đã khiến một số chủ hàng tìm đến bờ biển phía Đông để tăng tốc lưu thông hàng hóa thông chuỗi cung ứng - nhưng con đường này cũng ngày càng trở nên ùn tắc. Theo đó, vào nửa tuần trước có 24 tàu đang chờ bến tại cảng Savannah và theo hãng tàu container lớn nhất thế giới Maersk Line, tình hình ùn tắc tại cảng biển Georgia cũng đang là thách thức lớn.
Đồng thời, số lượng tàu neo đậu ở Vịnh San Pedro chờ cập bến tại Los Angeles và Long Beach đã tăng lên khoảng 70 chiếc, báo hiệu thời gian chờ ngày càng dài.
Nhiều tờ báo của Mỹ đã thông tin nguyên nhân dẫn đến sự ùn tắc này phần lớn bắt nguồn từ các vấn đề bên ngoài tất cả các cảng, cụ thể là mạng lưới đường sắt tắc nghẽn và tình trạng thiếu xe tải để chuyển các thùng hàng ra khỏi bến cảng.
Tại Úc, sự ùn tắc của chuỗi cung ứng đã dẫn đến việc các container vận chuyển phải “nằm” lại tại các cảng của Australia và toàn cầu, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chờ đợi lâu và chi phí đắt hơn nhiều. Một chuyên gia vận chuyển hàng hóa ở Úc cảnh báo rằng người tiêu dùng ở Úc sẽ mất cơ hội mua được những món quà Giáng sinh mình yêu thích vì cuộc khủng hoảng vận chuyển hàng hoá toàn cầu và tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa chưa từng có tại các cảng.
Việt Nam chủ động “khơi thông” giải phóng hàng hoá
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hoá trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Cách đây hơn 1 tháng, sản lượng container xuất nhập tàu, container giao nhận bãi, số lượt xe ra vào cảng giao nhận container liên tục giảm trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, khiến dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao, chạm đỉnh công suất.
Kịp thời nắm bắt thực trạng cấp bách này, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã khẩn trương nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với các đơn vị liên quan, có văn bản hướng dẫn, cho phép doanh nghiệp cảng vận chuyển container hàng nhập khẩu (bao gồm cả container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng về các cảng khác.
Theo ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã yêu cầu các Cảng vụ hàng hải khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu rà soát năng lực của các bãi container tại cảng để chủ động điều tiết hàng hóa, tàu biển. Sau khi rà soát, các đơn vị tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng. Cụ thể, với hàng tồn trên 15 ngày, Cảng đã rà soát, phân loại được 6.613 teu. Khuyến khích 43 khách hàng có 666 teu tồn lâu, đồng ý nhanh chóng lấy hàng ra khỏi cảng (hiện đang hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan để thống nhất với khách hàng đăng ký thực hiện).
Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết để kịp thời giải phóng hàng hoá tồn đọng, Tân cảng Sài Gòn tăng cường tối ưu hóa hiệu quả sử dụng bãi cảng, tìm thêm các bãi chứa container khu vực ngoài cảng. Tổng Công ty đã đề nghị các hãng tàu mở code tại Depot Tân cảng Suối Tiên, ICD Tân cảng Nhơn Trạch, ICD Tân cảng Long Bình để chuyển giảm tải và yêu cầu các chủ khai thác/ hãng tàu tăng cường cấp container rỗng từ cảng Tân cảng Cát Lái. Hiện đang đàm phán các điều khoản để chuẩn bị ký hợp đồng hợp tác với cảng SPCT, cảng Bến Nghé.
Các doanh nghiệp đã chủ động giãn tiến độ hàng nhập cho phù hợp với tình hình sản xuất của doanh nghiệp mình (giảm 40 - 50% sản lượng hàng nhập về so với trước giãn cách). Các hãng tàu đã chủ động điều tiết, cơ cấu lại các chuyến tàu phù hợp với tình hình của cảng Tân cảng Cát Lái.
Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam đã khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021 quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là các trường hợp hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng. Hàng nhập khẩu tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển; được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc. Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của cảng vụ hàng hải.
Theo thống kê, nhờ sự ổn định của cảng biển, xu thế giá vận tải biển của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực trên cùng tuyến. Đơn cử, giá cước trên cùng chặng đến cảng Los Angles, giá cước hãng tàu đang thu của chủ hàng Việt Nam thấp hơn các nước từ 500 - 1.000 USD. Trong suốt thời gian qua, tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới khiến tình trạng thiếu container, thiếu tàu liên tục xảy ra, song, các khoản phụ phí hãng tàu áp dụng tại Việt Nam vẫn không tăng, không phát sinh phụ phí mới.
Tình trạng ùn tắc tại các cảng biển lớn trên thế giới đã tác động đến giá cước vận tải toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội logistics Việt Nam, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 8/2021 giá cước vận tải biển trung bình đã tăng khoảng 3,5 lần cụ thể giá cước tuyến châu Á tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3 - 4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5 - 6 lần. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.