Hàng không chớp cơ hội hậu “tổn thương” vì Covid-19

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam, cùng với quyết định mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi giao thương và mở cửa du lịch từ ngày 15/3 đã tạo điều kiện để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.

 

Lượng hành khách qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần đạt gần 100.000 lượt khách - ảnh Nguyên Phạm

“Trong nguy luôn có cơ”

Đến tháng 6/2021, truyền thông trong nước đăng tải một loạt hình ảnh về những chiếc máy bay đỗ kín sân bay Nội Bài. Nó lột tả chân thực tác động ghê gớm của đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam (từ 27/4 - 08/12/2021). Tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh... cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh như vậy. Khi đó, các hãng hàng không trong nước có khoảng 230 máy bay các loại.

Trong văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10 năm ngoái do Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Phạm Việt Dũng ký, có đoạn: “Nội lực các hãng đang bị bào mòn, rất cần được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ kịp thời...”.

Nếu chỉ để ý câu chữ trong văn bản này, người ta dễ dàng hình dung ra bức tranh u ám bao trùm các hãng hàng không Việt. Nhưng “trong nguy luôn có cơ”, như cách nói của ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways.

“Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi có điều kiện củng cố hệ thống, nguồn lực tiếp viên, kỹ thuật, phi công để sẵn sàng trở lại khi có lệnh mở cửa của Chính phủ”, ông Trọng chia sẻ.

Thực tế, cũng chính vì có sự chuẩn bị mà sau giai đoạn thí điểm (từ ngày 10 - 20/10/2021) mở lại 19 đường bay nội địa mang tính thăm dò thị trường, khi tỷ lệ bao phủ vaccine tăng dần và chính sách kiểm soát y tế đối với hành khách được nới lỏng, giai đoạn từ 21/10 - 18/11/2021, các hãng hàng không Việt đã chớp cơ hội rất nhanh, tổ chức 44 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không trong cả nước với 2.207 chuyến bay khứ hồi, tổng lượng khách đạt 446.805 lượt, hệ số sử dụng ghế trung bình tới 54,4%.

Đặc biệt, hàng không đã thật sự “bùng nổ” trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần khi con số hành khách qua hai cảng hàng không lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đạt kỷ lục (mồng 4 Tết, sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 704 chuyến bay với hơn 97,7 nghìn khách).

Cho đến trung tuần tháng 2, các hãng hàng không trong nước đã khai thác 56 đường bay nội địa, với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều (tương đương 367 chuyến/chiều/ngày). Con số này chỉ giảm tương ứng 2 đường bay và 31 chuyến/chiều/ngày so với lịch bay mùa Đông năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19).

Trong khi đó, đến cuối tháng 02/2022, cùng với việc dỡ bỏ hạn chế chở khách bằng đường hàng không, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ). Từ ngày 11/01 - 23/02 có khoảng 200.000 khách quốc tế đã đến Việt Nam. Con số này, theo ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) là “còn rất nhỏ so với lượng khách (4 triệu khách/tháng) thời kỳ cao điểm năm 2019 nhưng vẫn là con số ấn tượng”, vì Việt Nam vừa mới mở cửa trở lại.

“Chúng tôi đánh giá, năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu”, ông Đăng nhấn mạnh tại Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” tổ chức mới đây.

Ông Đăng cũng cho biết, trong kịch bản dự báo (mức trung bình) của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường hàng không Việt đón 42 - 43 triệu hành khách. Con số này mới chỉ hơn 50% so với năm 2019 nhưng “con số này vẫn khá ấn tượng so với 2 năm dịch vừa qua”. Trong số 43 triệu lượt khách này, dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.

Cũng với niềm tin vào sự phục hồi của thị trường hàng không Việt, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines dự báo, năm 2022, vận tải bay nội địa quay về ngưỡng phục hồi 70 - 75% so với giai đoạn 2019, bay quốc tế sẽ đạt 20 - 25% và quay trở lại tăng dần vào quý IV/2022.

Cơ hội rộng mở

Cơ hội phía trước đang rộng mở với các hãng bay Việt Nam bởi theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam, cùng với quyết định mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi giao thương và mở cửa du lịch từ ngày 15/3 đã tạo điều kiện để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.

Dữ liệu phân tích của google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 01/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam cũng đã công nhận 79 loại giấy chứng nhận tiêm chủng (hay còn gọi là hộ chiếu vaccine) của các quốc gia, vùng lãnh thổ và sẽ tăng cường đàm phán để tạo điều kiện thuận lợi phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.

“Việc nối lại các đường bay quốc tế sẽ thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến du lịch như lưu trú, vận chuyển, giải trí, đồng thời hỗ trợ thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này phản ánh thực tế rằng, Việt Nam đang bám sát chiến lược đối phó với dịch và bình thường hóa hoạt động kinh tế của mình”, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Khối nghiên cứu Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định.

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát); bao gồm miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 46 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đề xuất chấp nhận phương pháp xét nghiệm nhanh đối với khách quốc tế trước khi nhập cảnh như một cách để tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam.

Rõ ràng, khi những rào cản về thủ tục nhập cảnh được giải quyết theo hướng đơn giản hóa cùng với cải thiện chính sách đi kèm, hàng không là một trong lĩnh vực được hưởng lợi đầu tiên sau thời gian “tổn thương” vì Covid-19.

Ý kiến của bạn

Bình luận