Công ty cho thuê máy bay, hãng bảo hiểm đứng ngồi không yên
Các nhà sản xuất, đơn vị cho thuê máy bay, hãng bảo hiểm và các đơn vị bảo dưỡng máy bay cho các hãng hàng không Nga như Aeroflot, S7 Airlines và AirBridgeCargo là những đối tượng ngoài Nga bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, các hãng hàng không nước ngoài đang quay cuồng trong bối cảnh giá dầu leo thang và phải chuyển sang các lộ trình bay dài hơn để tránh không phận Nga. Điều này sẽ làm tăng giá cước và giá vé hàng không.
Từ trước đến nay, các hãng hàng không của Nga là "khách ruột" của ngành công nghiệp cho thuê máy bay toàn cầu để hiện đại hoá đội bay của họ bằng những mẫu Airbus và Boeing tân tiến. Theo đơn vị phân tích dữ liệu hàng không và du lịch Cirium, hàng không Nga hiện có 980 máy bay chở khách nhưng trong đó có đến 777 chiếc là đi thuê. Trong số này, có 515 máy bay phản lực với giá trị thị trường ước tính khoảng 10 tỷ USD được thuê từ các công ty nước ngoài như AerCap và Air Lease.
Tuy nhiên, vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các công ty cho thuê máy bay phải kết thúc các hợp đồng cho thuê tại Nga trước ngày 28/3. Điều này đã gây sức ép lên các hãng cho thuê bởi việc thu hồi máy bay về lúc này không hề dễ dàng do các lệnh cấm không phận, chưa kể những rắc rối liên quan đến giao dịch thanh toán và những lo ngại rằng Chính phủ Nga sẽ quốc hữu hoá đội bay để duy trì năng lực trong nước.
Cơ quan hàng không quốc gia Nga cũng đã khuyến nghị các hãng hàng không có máy bay thuê của nước ngoài ngừng sử dụng những máy bay này để bay ra nước ngoài.
Các nhà phân tích cho biết, ngay cả khi các máy bay được trả lại nhanh chóng thì việc dư thừa máy bay cho thuê cũng có thể làm giảm giá thuê trên toàn cầu, khiến các hãng cho thuê máy bay thiệt hại lớn.
Không chỉ dịch vụ thuê máy bay, các hãng hàng không Nga cũng bị loại khỏi thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm ở EU và Anh. Theo nguồn tin trong ngành bảo hiểm cho biết, không rõ liệu đơn vị cho thuê không thể mua lại máy bay có được bảo hiểm cho những tổn thất theo các chính sách riêng của họ hay không. Các hợp đồng bảo hiểm thường có các điều khoản huỷ bỏ bảo hiểm trong trường hợp bị trừng phạt. Tuy nhiên, nhiều khả năng các hãng cho thuê máy bay sẽ phải có các hành động pháp lý để giải quyết vấn đề.
Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và cung cấp linh kiện thất thu
Theo công ty tư vấn hàng không IBA, các hãng hàng không Nga đã đặt mua 62 máy bay của Airbus và Boeing nhưng việc giao hàng hiện đã bị cấm.
Các nhà sản xuất linh kiện và công ty bảo trì cũng bị cấm cung cấp các bộ phận và dịch vụ bảo dưỡng cho đội bay của Nga. Đại diện Công ty Lufthansa Technik của Đức cho biết đã ngừng phục vụ hàng trăm máy bay của các đối tác Nga. Điều này làm dấy lên lo ngại về độ an toàn máy bay của Nga khi các lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản các nhà sản xuất máy bay chia sẻ các dữ liệu, thông tin, cảnh báo hàng không.
Phó Chủ tịch tư vấn tài chính hàng không tại ACC Aviation Viktor Berta cho biết, khả năng cao là các hãng hàng không Nga sẽ phải thải loại bớt máy bay khi họ hết linh kiện thay thế.
Giá dầu biến động, giá vé tăng vọt
Giá dầu thế giới hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. Bảo hiểm giá xăng dầu, phụ phí nhiên liệu và tăng giá vé là một trong những biện pháp mà các hãng hàng không đang thực hiện để bù đắp phần nào thiệt hại vào thời điểm nhu cầu đi lại vẫn thấp do đại dịch.
Trong một số trường hợp, chi phí nhiên liệu tăng cao còn do lộ trình bị kéo dài vì phải bay vòng để tránh không phận Nga, khiến thời gian bay bị kéo dài thêm có thể lên tới 3,5 tiếng.
Chịu tác động lớn nhất là các chuyến bay giữa châu Âu và khu vực Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngoài ra, những chuyến bay giữa Đông Nam Á và châu Âu, Mỹ, Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng. Tháng 2 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không hạn chế, đóng cửa vùng trời, sân bay tại Nga, Ukraine. Đồng thời, căn cứ vào kế hoạch khai thác để lựa chọn các đường bay thay thế nếu cần thiết.
Chuyên gia phân tích hàng không ở Singapore Brendan Sobie cho biết, thời gian bay bị kéo dài làm gia tăng chi phí nhân lực và chi phí bảo trì đối với các hợp đồng được tính theo giờ bay, trong khi làm sụt giảm khả năng chuyên chở hàng hoá.
“Một mối lo ngại khác là sự sụt giảm nhu cầu hành khách quốc tế ở một số thị trường, ảnh hưởng đến sự phục hồi tổng thể của du lịch hàng không quốc tế”, ông Brendan Sobie nói.
Đường sắt cũng ngấm đòn
Không chỉ hàng không, đường sắt cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có tuyến đường sắt Á - Âu.
Đầu tháng 3, Hiệp hội đường sắt quốc tế (UIC) đã đình chỉ tư cách thành viên của đường sắt Nga và Belarus trong các hoạt động của UIC. Điều này khiến hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế theo lộ trình từ Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang châu Âu có khả năng bị ảnh hưởng.
Trước bối cảnh căng thẳng leo thang, nhiều chủ hàng đã ngừng vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc đến châu Âu bằng đường sắt. Hãng Maersk đã công bố tạm ngừng vận chuyển hàng bằng tuyến đường sắt xuyên lục địa đến và đi từ Nga. Mới đây, Zyxel - nhà sản xuất thiết bị mạng của Đài Loan đã ngừng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt Trung Quốc do lo ngại hàng hóa của họ có thể bị mắc kẹt ở biên giới Nga – Ba Lan.
Jacky Yan, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của New Silk Road Intermodal, doanh nghiệp logistics và vận chuyển quốc tế có văn phòng hoạt động tại châu Âu và Trung Quốc cho biết: "Một số đơn hàng bị hủy vì các lệnh trừng phạt đối với Nga đã gây ra vấn đề thanh toán cũng như lo ngại về việc chậm trễ, hư hỏng hàng hóa”.
Xung đột Nga - Ukraine đang làm trầm trọng hoá cuộc khủng hoảng vận chuyển toàn cầu vốn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, làm cắt đứt nguồn cung cấp thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, chất bán dẫn cho ô tô trong năm qua. Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đi qua Nga và Belarus là con đường chính để xuất khẩu các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, trong đó có máy tính xách tay sang châu Âu. Chỉ tính trong năm 2020, gần 10 triệu máy tính xách tay đã được vận chuyển bằng đường sắt từ thành phố Trùng Khánh đến châu Âu.
Quyết định của UIC cũng ảnh hưởng đến hàng hoá liên vận đường sắt quốc tế từ Việt Nam kết nối theo lộ trình Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang châu Âu. Vừa qua, đơn đặt hàng của hãng IKEA từ Đà Nẵng đi châu Âu cũng đã tạm ngừng vì những lo ngại gián đoạn trên lộ trình sang châu Âu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.