Hàng không mở cửa thị trường vươn tầm giá trị mới

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Bạn đọc 13/02/2020 13:47

Không nằm ngoài dự đoán, năm 2019 tiếp tục là một năm đánh dấu sự “bứt phá” của thị trường hàng không, khẳng định vai trò của một loại hình vận tải ưu việt trong thời đại mới. Hàng không Việt Nam bằng sự nỗ lực đã luôn chủ động, chuẩn bị các điều kiện để thích ứng và hội nhập, đưa sải cánh Việt Nam bay cao và xa hơn, vươn đến những cột mốc và giá trị mới.

 

5.
Nâng cao chất lượng dịch vụ luôn là một trong những nhiệm vụ được các hãng hàng không quan tâm, chú trọng

Vận chuyển hành khách tăng 11,4% so với năm 2018 

Trong năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có thêm hãng hàng không Bamboo Airways tham gia khai thác, nâng tổng số hãng hàng không Việt Nam lên 4 hãng. Các hãng hàng không của Việt Nam hiện đang khai thác 50 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo hệ thống mạng đường bay “trục-nan” từ 3 trung tâm, kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” với các cảng hàng không địa phương.

Về mạng đường bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam cùng với 70 hãng hàng không nước ngoài thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác hơn 208 đường bay quốc tế thường lệ, thuê chuyến thường lệ kết nối 9 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam là: Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, Liên Khương, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ và tới 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ các khu vực tại châu Á gồm: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á, Trung Đông tới các quốc gia châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ và Úc.

Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không là 115,5 triệu khách, tăng 11,8% so với năm 2018 (trong đó, quốc tế: 41,1 triệu khách, tăng 12,3% so với năm 2018; nội địa: 74,4 triệu khách, tăng 11,5% so với năm 2018). Sản lượng hàng hóa được thông qua đạt 1,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2018 (trong đó, quốc tế: 01 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm 2018; nội địa: 506 nghìn tấn, giảm 4,9% so với năm 2018).

Năm qua, các hãng hàng không đã vận chuyển được 54,7 triệu khách, tăng 11,4% so với năm 2018 (trong đó, quốc tế: 17,5 triệu khách, tăng 11,4% so với năm 2018; nội địa: 37,2 triệu khách, tăng 11,5% so với năm 2018). Vận chuyển hàng hóa đạt 435 nghìn tấn, tăng 7,6% so với năm 2018 (trong đó, quốc tế: 182 nghìn tấn, tăng 30,4% so với năm 2018; nội địa: 253 nghìn tấn, giảm 4,4% so với năm 2018).

Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi 

Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải hàng không thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam theo hướng mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các hãng hàng không; khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam, tạo sự năng động và thúc đẩy tính cạnh tranh của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam; chủ động hội nhập, tham gia tích cực vào thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASAM). 

Việt Nam khuyến khích mạnh mẽ các hãng hàng không khai thác đến các cảng hàng không quốc tế thứ cấp, tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển, chính sách giá, các điều kiện về thương mại và khai thác khác (slots, liên doanh, liên danh...) cho các hãng qua việc thực hiện khai thác các chuyến bay quốc tế đến các điểm này; chủ động tham gia quá trình “mở cửa” bầu trời của khu vực và thế giới trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia; có chính sách tổng thể phối hợp phát triển ngành Hàng không với các ngành khác, đặc biệt là du lịch; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; tăng cường quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam.

Mở rộng thị trường thúc đẩy sự phát triển

Theo dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách tăng trung bình 16%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030; tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 - 2030. Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2030 ước đạt khoảng 131 triệu hành khách và 125 tỷ Hk.Km; 1,7 triệu tấn hàng hóa và 17 tỷ T.Km.

Đối với ngành Hàng không Việt Nam, việc mở rộng phạm vi hoạt động khai thác, mở rộng thị trường mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới cũng như giữa các vùng miền Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư và đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch.

Với dự báo và tiềm năng phát triển của thị trường hàng không có thể thấy, việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới, tham gia khai thác thị trường là điều tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển gia tăng của thị trường hàng không Việt Nam, bổ sung thêm lực lượng vận tải phù hợp với nhu cầu vận chuyển, tăng nguồn lực mở các đường bay quốc tế hiện chưa được các hãng hàng không Việt Nam khai thác hoặc khai thác ở mức độ thấp; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hóa, có tính cạnh tranh ngày càng cao và điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới. 

Sự phát triển của mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Đối với một thị trường hàng không đang ở giai đoạn phát triển như Việt Nam, việc có những sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp với mục đích, nhu cầu của người sử dụng là hết sức cần thiết. Việc các hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam như VietJet, Jetstar Pacific hay các hãng quốc tế như Air Asia, Jetstar… tham gia khai thác đã và sẽ tạo ra phân khúc thị trường vận tải hàng không mới với nguồn khách chính là khách có thu nhập thấp. Việc mô hình khai thác giá rẻ phát triển cũng đặt ra các vấn đề và nhu cầu thay đổi, bổ sung chính sách vận tải hàng không. 

Việc các hãng hàng không Việt Nam tăng cường khai thác vào các thị trường ngách, các thị trường du lịch tại các địa phương có các cảng hàng không quốc tế thứ cấp, chưa được khai phá bởi các hãng hàng không hiện hữu là một xu thế tất yếu khi các thị trường truyền thống đã có các hãng không khác khai thác với mức độ cạnh tranh cao và trong bối cảnh còn gặp khó khăn về hạ tầng tại các cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Ý kiến của bạn

Bình luận