Hàng không tăng trưởng "nóng"- Bài 2: Cần bịt “lỗ hổng” an ninh sân bay

Tác giả: Bảo Khôi

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 21/07/2022 15:27

Bối cảnh mới đặt ra những thách thức không nhỏ trong an ninh hàng không (ANHK) ở các sân bay, do vậy cần chủ động xây dựng phương án ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm bịt mọi “lỗ hổng” an ninh.

Hệ thống camera giám sát chung tại sân bay Nội Bài

Hệ thống camera giám sát chung tại sân bay Nội Bài

Nguy cơ an ninh trong tình hình mới

Ngày 24/02/2022, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai công tác năm 2022 của Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhấn mạnh: “Năm 2022, Chính phủ triển khai mạnh mẽ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Do đó, hoạt động GTVT sẽ gia tăng, trong đó hàng không sẽ tăng mạnh mẽ do nhu cầu đi lại, mở cửa kinh tế ngày càng lớn. Điều này đặt ra những nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn hàng không thời gian tới”.

Thực tế những năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không.

Ngày 13/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2015/NĐ-CP về ANHK, trong đó quy định các biện pháp kiểm soát ANHK, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Ngày 05/8/2016, Cục HKVN ban hành Chỉ thị số 3191/CT-CHK về Tăng cường công tác đảm bảo ANHK sau khi xảy ra vụ việc nhân viên hàng không mang vàng trái phép lên máy bay tại Cảng Hàng không (CHK) Quốc tế Nội Bài.

Ngày 30/8/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 22/CT-TTg về Tăng cường công tác ANHK dân dụng trong tình hình hiện nay.

Trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng, các cấp quản lý đều chủ động yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng biện pháp kiểm soát ANHK tăng cường cấp độ 1 tại các CHK, sân bay.

Có thể thấy, ANHK luôn được sự quan tâm, ưu tiên chỉ đạo sát sao, bởi nó có một vai trò trọng yếu, liên quan mật thiết đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội cũng như uy tín quốc gia.

Mặc dù vậy, công tác đảm bảo ANHK vẫn tồn tại một số “lỗ hổng” xuất phát từ lỗi con người hoặc yếu tố kỹ thuật, công nghệ.

Trưa ngày 03/3/2018, tại sân bay Vinh xảy ra một sự cố hi hữu và nghiêm trọng. Một nam thanh niên bị bệnh tâm thần trèo tường, lọt qua nhiều lớp bảo vệ an ninh của sân bay, tiến sát cửa lên máy bay và chỉ bị phát hiện khi tiếp viên nhận ra anh này không có thẻ lên máy bay. Sự việc đã làm chuyến bay bị chậm giờ khởi hành. Việc vượt hàng rào, xâm nhập không chỉ xảy ra ở sân bay Vinh mà còn diễn ra ở một số sân bay khác như Điện Biên (2018), Liên Khương (2018)...

Trong bối cảnh HKVN được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, rõ ràng những vụ việc như trên sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn của các CHK, sân bay.

Tại Hội thảo Hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố do Bộ Công an tổ chức (ngày 23/02/2022), Đại tá Đinh Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa A02 (Bộ Công an) đưa ra nhận định, trong những năm tới có 6 nguy cơ khủng bố quốc tế hiện hữu ở Việt Nam.

Thống kê năm 2021 đã xảy ra 414 vụ vi phạm ANHK. Điều đáng nói là đa số các CHK, sân bay ở Việt Nam vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác an ninh an toàn tương đối “giản đơn” bằng lực lượng nhân viên ANHK tại các điểm chốt chặn, cổng gác, chòi canh...

Một vài CHK quốc tế lớn có áp dụng hệ thống theo dõi giám sát bằng mạng lưới camera đặt trên các cột ăng-ten cao của các thiết bị khí tượng, thiết bị dẫn đường có sẵn nằm dọc trên dải bảo hiểm của đường cất, hạ cánh.

Tuy vậy, dữ liệu hình ảnh không được xử lý và cảnh báo tự động mà vẫn cần giám sát trực tiếp bởi nhân viên an ninh. Đây là một điểm yếu, bởi mắt người không thể bao quát được cùng lúc nhiều màn hình. Sự mệt mỏi trong ca làm việc càng dễ khiến bỏ sót và không đánh giá đúng tình huống, chưa kể chất lượng hình ảnh không phải lúc nào cũng tốt để phát hiện ra sự bất thường.

Bên cạnh đó, hệ thống camera vành đai, khu bay bị hạn chế tầm quan sát, theo dõi trong một số điều kiện cực đoan như thiếu sáng, chói nắng, sương mù, mưa giông… Đó cũng là lý do vì sao camera ở sân bay Vinh chỉ ghi nhận vỏn vẹn 11 giây về người đột nhập.

Vậy nên, các hệ thống sử dụng công nghệ camera chỉ mang tính hỗ trợ cho lực lượng an ninh mà không đảm bảo được việc phát hiện tự động, tức thời bất cứ mục tiêu nào ngay từ khi chúng bắt đầu tiếp cận khu vực trọng yếu.

Với biện pháp tường rào vật lý, nó thường dễ dàng bị “đánh bại”. Trong khi đó, công nghệ cảm biến lại hay xảy ra tình trạng báo động sai, làm gia tăng sự chủ quan của các tổ thực thi công vụ.

Những bất cập trên chính là tiền đề xảy ra “lỗ hổng” an ninh cho các CHK, sân bay, góp phần tạo điều kiện cho những đối tượng xấu có cơ hội khai thác, uy hiếp ANHK và đe dọa đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

Cách nào bịt “lỗ hổng” an ninh sân bay?

Xu hướng của các sân bay hiện nay là ứng dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ 4.0, bao gồm nền tảng radar và UAV (máy bay không người lái) để: (1) phát hiện tự động xâm nhập vòng ngoài; (2) tăng cường khả năng giám sát diện rộng, khu vực hạn chế; (3) đảm bảo năng lực giám sát 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết.

Tại một số sân bay quốc tế lớn như Bangkok Suvarnabhumi, Boston Logan, Tel-Aviv Ben Gurion, Seattle-Tacoma, Đại Hưng Bắc Kinh... đều đang ứng dụng hệ thống radar kiểm soát an ninh như một thành phần của một hệ thống bảo vệ an ninh sân bay đa lớp.

Hệ thống an ninh tích hợp radar sẽ cung cấp cho các nhà quản lý sân bay giải pháp phát hiện mối đe dọa đường băng toàn diện một cách hoàn toàn tự động, giảm thiểu tối đa những mối nguy hiểm về xâm nhập trái phép.

FLIR, Honeywell, Navtech Radar, Terma hay Kelvin Hughes là những hãng đã chứng tỏ được sự tin cậy trong quá trình phát triển radar an ninh và vận hành PIDS (hệ thống phát hiện xâm nhập vành đai). Ngoài phần cứng là cảm biến radar tầm quét bán kính xa hàng km, độ phân giải cao, không ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết (nắng chói, đêm tối, mưa lớn, sương mù...) và môi trường (khói bụi, cháy lửa…) thì các phần mềm có thuật toán tinh vi đã giúp cho hệ thống phát hiện xâm nhập với tỷ lệ báo động giả ở mức cực thấp.

Cảm biến radar của hệ thống AdvanceGuard lắp đặt tại sân bay Bologna (Ý)

Cảm biến radar của hệ thống AdvanceGuard lắp đặt tại sân bay Bologna (Ý)

Nổi bật trong những hệ thống kể trên là AdvanceGuard của Navtech Radar (Anh Quốc) với phần mềm được phát triển cùng Cambridge Pixel (hãng phát triển phầm mềm radar cho các hãng thiết bị quân sự lừng danh, đơn cử như Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ).

AdvanceGuard sử dụng cảm biến radar điều biến tần số sóng liên tục (FMCW) công suất phát thấp và đo được đồng thời khoảng cách lẫn tốc độ của đối tượng, quét 3.600 và 4 lần mỗi giây.

Nhờ độ nét cao, hệ thống tạo ra một bản đồ khu vực rất chi tiết, sau đó phân tích để xác định sự thay đổi sau mỗi lần quét và đưa ra cảnh báo nếu thỏa mãn các tiêu chí về phát hiện xâm nhập (được tùy biến phù hợp theo điều kiện của từng sân bay và yêu cầu của đơn vị quản lý). Đặc biệt, mục tiêu không nhất thiết phải di chuyển mới bị phát hiện.

Phiên bản mới nhất của AdvanceGuard sử dụng AI để phân định mô hình di chuyển, từ đó dự đoán mục tiêu có phải là nguy hiểm cho an ninh hay không. Hệ thống cũng dễ dàng phân biệt “bạn - thù”, bám bắt hàng trăm mục tiêu cùng lúc, xác lập vành đai “ảo” để có cảnh báo thông minh.

Với khả năng tích hợp nhiều loại camera và UAV, phần mềm điều khiển của AdvanceGuard có thể tạm chiếm quyền trong thời gian ngắn để điều hướng, di chuyển camera, UAV về phía khu vực phát hiện đối tượng đột nhập.

Hệ thống AdvanceGuard lập bản đồ khu vực, truy vết đối tượng xâm nhập, tự động điều hướng camera

Hệ thống AdvanceGuard lập bản đồ khu vực, truy vết đối tượng xâm nhập, tự động điều hướng camera

AdvanceGuard đã được lắp đặt tại các công trình trọng yếu tại nhiều quốc gia như: Sân bay Bologna (Ý); Sân bay Ostrava (Séc); Nhà máy Điện hạt nhân Doel (Bỉ); Công ty Nhôm Dubai (UAE); Cảng container Botany (Úc)..., qua đó gián tiếp khẳng định mức độ hiệu quả, đáng tin cậy của mình.

Tại hai cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Bộ GTVT (ngày 19/6/2020) và Cục HKVN (ngày 15/7/2020), các đại biểu tham dự đã đánh giá cao ưu điểm của AdvaceGuard. Tiếp đó, Văn bản số 11225/BGTVT-KHĐT ngày 06/11/2020 của Bộ GTVT cũng đã đề nghị Cục HKVN chủ trì để hoàn thiện TCCS có liên quan, đồng thời giao Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) bố trí nguồn lực triển khai các hệ thống radar giám sát ninh mặt đất.

Trước đó, để đảm bảo an ninh, an toàn bay, ngày 07/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 34/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực bảo đảm ANHK dân dụng. Một trong số các mục tiêu chung của đề án là xây dựng hệ thống bảo đảm ANHK vững mạnh, hiệu quả, phù hợp pháp luật Việt Nam, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm ANHK đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này chứng tỏ, Việt Nam luôn ở tâm thế chuẩn bị cao nhất nhằm đối phó các tình huống khó lường ở các sân bay.

Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến (như radar) được xem là đạt được “mục tiêu kép”, vừa đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa, vừa bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng AI... để tăng cường an ninh, phòng chống nguy cơ khủng bố.

Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch ACV, trong định hướng của Tổng công ty cũng như chỉ đạo chung của Nhà nước, cần phải xây dựng chiến dịch chuyển đổi số, trong đó có việc đưa công nghệ hiện đại (như radar) vào kiểm soát an ninh.

“Lắp đặt radar giám sát an ninh tại các khu công cộng của CHK, sân bay đang được chúng tôi nghiên cứu. Thực tế, nếu sử dụng giám sát bằng radar với công nghệ tiên tiến có thể giám sát diện rộng, làm việc trong mọi điều kiện thời tiết và ánh sáng. Có thể thiết lập được khu vực giám sát ở bất kỳ vị trí nào, có diện tích, hình dạng to nhỏ khác nhau. Người giám sát có thể quan sát và theo dõi, bám sát nhiều mục tiêu là những kẻ xâm nhập đồng thời cùng một lúc từ một hoặc nhiều địa điểm”, ông Thanh phân tích.

Chủ tịch ACV cũng cho rằng: “Nếu lắp đặt radar giám sát an ninh, phương thức kiểm soát sẽ thay đổi. Sẽ không còn cảnh tuần tra rầm rập nữa, mà chỉ cần xây dựng đội phản ứng nhanh và kiểm soát tại trung tâm điều hành. Không một CHK, sân bay nào trên thế giới mong muốn đối diện với sự đột nhập, tấn công, uy hiếp ANHK. Để thực hiện được mục tiêu đảm bảo tuyệt đối về ANHK, lực lượng an ninh sân bay không thể cứ mãi “tay không bắt giặc”. Đã đến lúc, ngành HKVN cần xây dựng một chiến lược mới, tổng thể về an ninh, an toàn, trong đó xem việc trang bị công nghệ hiện đại đóng vai trò trung tâm. Có như vậy mới không để bị động, nhất là khi là bối cảnh mới được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp.

Ý kiến của bạn

Bình luận