Hàng không thế giới gánh lỗ để duy trì cả ngàn "chuyến bay ma"

Giao thông toàn cầu 12/02/2022 09:31

Chính sách phản ứng với đại dịch về việc sử dụng sân bay đang gây sức ép buộc các hãng hàng không phải duy trì hoạt động của các "chuyến bay ma".

361952

Lượng khí thải khổng lồ từ những chuyến bay vô nghĩa

Trong tháng 12/2021, tại sân bay Frankfurt (Đức) có 27.591 chuyến bay cất/hạ cánh, trung bình có 890 chuyến bay mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay trong số đó không chở bất kỳ hành khách nào.

Đại diện Lufthansa, hãng hàng không quốc gia Đức có trụ sở tại Frankfurt tiết lộ, hãng đã thực hiện 21.000 "chuyến bay ma" (chuyến bay rỗng) trong quý 4 năm 2021 vừa qua. Hãng đã phải sử dụng máy bay của chính mình và của công ty con ở Bỉ (Brussels Airlines) nhằm nỗ lực giữ chỗ ở các sân bay.

Giám đốc điều hành Lufthansa, Carsten Spohr cho biết, các chuyến bay rỗng là không cần thiết nhưng vẫn phải thực hiện vì các hãng hàng không được yêu cầu duy trì tỷ lệ bay nhất định theo kế hoạch để giữ chỗ ở các sân bay có lưu lượng cao. Từ tháng 3/2020, Ủy ban châu Âu đã thiết lập quy định "không sử dụng thì mất chỗ" khi hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quy tắc yêu cầu các hãng hàng không phải sử dụng ít nhất 50% số chỗ phân bổ tại sân bay. Con số dự kiến sẽ tăng lên 80% trong mùa hè 2022.

Theo phân tích của Greenpeace, hơn 100.000 "chuyến bay ma" đang hoạt động ở châu Âu thải ra lượng CO2 tương đương 1,4 triệu xe chạy xăng.

"Chúng ta đang rơi vào khủng hoảng khí hậu và lĩnh vực vận tải có lượng khí thải tăng nhanh nhất ở châu Âu", chuyên gia Herwig Schuster của tổ chức Greenpeace cho biết. Điều này đi ngược lại mục tiêu của Ủy ban châu Âu là giảm lượng phát thải nhà kính xuống 55% vào năm 2030.

Cạnh tranh gay gắt để dành chỗ tại sân bay

Những "chuyến bay ma" vô nghĩa gây ô nhiễm môi trường chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo một số chuyên gia hàng không, việc này phản ánh tình trạng thiếu hụt trầm trọng chỗ cất hạ cánh tại các sân bay trên toàn cầu.

Chuyên gia tư vấn hàng không John Strickland của JLS Consulting cho biết, nếu có đủ chỗ tại sân bay thì các hãng hàng không có thể cất/hạ cánh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện việc thiếu hụt chỗ cất hạ cánh ở nhiều sân bay trên thế giới buộc các hãng hàng không phải cạnh tranh gay gắt để giành và giữ chỗ.

Theo cơ quan công nghiệp Airports Council International (ACI), năm 2020, có 62 triệu chuyến bay đã diễn ra tại các sân bay trên thế giới. Con số này nghe có vẻ rất lớn, nhưng mới chỉ bằng gần 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Hệ thống quản lý chỗ cất hạ cánh tại các sân bay trên toàn thế giới đã phải làm việc liên tục để phục vụ 62 triệu chuyến bay, tương đương khoảng 1,5 tỷ hành khách.

Theo tính toán của ACI, tỷ lệ máy bay cất/hạ cánh ngẫu nhiên có chỗ tại sân bay chỉ khoảng 43%. Tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều trước khi đại dịch xảy ra. Do đó, nhiều hãng hàng không thậm chí phải bỏ rất nhiều tiền mua lại chỗ từ các đối thủ cạnh tranh để lấy được chỗ ở sân bay.

Một slot ở sân bay London Heathrow được ghi nhận là có mức giá "cắt cổ" nhất. Năm 2016, hãng hàng không Oman Air đã mua lại slot của hãng Air France KLM tại sân bay Heathrow lúc 5h30 sáng với giá 75 triệu USD.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), lưu lượng hàng không toàn cầu năm 2020 đã giảm 60% so với năm 2019. Năm 2021, số lượng hành khách vẫn giảm 49% so với thời kỳ trước đại dịch ngay cả khi thế giới bắt đầu bình thường mới. Dự báo, nhu cầu năm 2022 sẽ phục hồi nhưng vẫn sẽ thấp hơn từ 28-33% so với năm 2019.

Ngành công nghiệp hàng không sẽ thiệt hại khoảng 200 tỷ USD do lượng hành khách đi lại vào năm 2022 ít hơn khoảng 1,3 tỷ so với năm 2019. Mặc dù hành khách không bay nhưng các hãng hàng không vẫn cần chạy dịch vụ để giữ chỗ quý giá của họ tại các sân bay.

Phản biện lại ý kiến của các hãng hàng không, ông Stefan De Keersmaecker, phát ngôn viên cao cấp của Ủy ban châu Âu khẳng định, quy định của EU không bắt buộc các hãng hàng không phải thực hiện những chuyến bay rỗng. Việc khai thác tuyến bay là quyết định của từng hãng và không phải hệ lụy do quy tắc đề ra. Thậm chí, châu Âu cũng đang có những biện pháp nhằm tránh những chuyến bay trống, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận