Hàng không tìm cách tăng số lượng phi công nữ

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/01/2019 16:32

Tỷ lệ nữ giới trong lực lượng phi công toàn cầu vẫn còn thấp và nếu tỷ lệ này được nâng lên,tình trạng khan hiếm phi công có thể được giải quyết

0027e_nu_phi_cong1
Claire Banks, 36 tuổi ở Lancashire (Anh) bỏ nghề bác sĩ vật lý trị liệu để chuyển sang làm phi công. Ảnh: BBC

 Claire Banks, 36 tuổi ở Lancashire (Anh) sắp hoàn thành ước nguyện thời thơ ấu: kiếm sống bằng nghề phi công. Sau gần 10 năm hành nghề bác sĩ vật lý trị liệu, giấc mơ ngành hàng không của Claire Banks giờ đây đã thành hiện thực. Cô vừa được tuyển làm phi công cho hãng hàng không EasyJet (Anh), chính thức gia nhập đội ngũ những bóng hồng lái máy bay thương mại đang gia tăng trên toàn thế giới.

Phi công từng được xem là một nghề chỉ thích hợp cho nam giới nhưng nhưng quan điểm đó đã dần thay đổi trong hai thập kỷ qua. “Khi rời trường trung học, tôi không xem nghề phi công là một sự lựa chọn vì có rất ít thông tin liên quan đến nghề này và quan niệm cho rằng phụ nữ không ai theo nghề lái máy bay. Nhưng các hàng hàng không giờ đây đang hành động mạnh mẽ để thay đổi quan niệm đó và họ đang mở cánh cửa đón nhận hầu như mọi người vào nghề phi công”, Claire Banks nói.

Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng do nhu cầu đi lại hàng không tăng trưởng mạnh mẽ, việc tuyển dụng nhiều nữ giới hơn có thể giải quyết vấn đề này.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong năm 2019, số lượt hành khách đi lại hàng không trên toàn cầu sẽ tăng thêm 6% lên mức kỷ lục 4,59 tỉ lượt. Con số này có thể tăng lên 8,2 tỉ lượt hành khách vào năm 2037 nhờ nhu cầu tăng lên ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing cho biết nếu số lượt hành khách tăng lên đến con số đó, các hãng hàng không trên toàn cầu cần tuyển dụng thêm 635.000 phi công trong 18 năm tới. Theo Hiệp hội nữ phi công quốc tế (ISWAP), hiện nay chỉ có 5% phi công trên thế giới là nữ giới. Tỷ lệ này cần phải tăng lên để đáp ứng sự tăng trưởng của ngành hàng không, theo Robin Glover-Faurem Chủ tịch công ty L3 Commercial Training Solutions (Anh), một trong những trung tâm đào tạo phi công lớn nhất thế giới. Công ty này đang đào tạo phi công cho hơn 40 hãng hàng không.

Ông Glover-Faure cho rằng để tuyển dụng đủ các phi công mới, ngành vận tải hàng không cần phải thu hút lực lượng lao động đa dạng hơn, có năng lực nhưng sở hữu các nền tảng học vấn mà trước đây không được xem là không thích hợp cho nghề phi công.

L3 Commercial Training Solutions đã dành ngân sách cho một chương trình học bổng để tuyển dụng nữ phi công nhiều hơn. Giờ đây, công ty này đang tài trợ để đào tạo 10 nữ phi công mỗi năm. Thông thường, chi phí để huấn luyện một phi công trong 24 tháng là 100.000 bảng (hơn 3 tỉ đồng VN).

Hầu hết các hãng hàng không đều đòi hỏi các phi công tương lai phải bỏ tiền túi ra để theo học các khóa huấn luyện bay nhưng thường sẽ bảo đảm tuyển dụng họ một khi họ tốt nghiệp. Những phi công mới vào nghề như Claire Banks phải sử dụng tiền tiết kiệm hoặc vay mượn từ gia đình hoặc vay ngân hàng để trả chi phí cho các khóa học này.

Song một số ít hãng hàng không như Air France (Pháp) cấp kinh phí đào tạo cho những phi công mới của họ.Ông Glover-Faure cho biết trong dài hạn, để tuyển dụng nhiều nữ phi công hơn, các hãng hàng không cần phá vỡ một số rào cản liên quan đến quan niệm cố hữu đối với nghề phi công bằng cách đến các trường học và các hội chợ việc làm để giải thích rằng nghề phi công là sự lựa chọn dành cho nhiều đối tượng.

Hãng hàng không EasyJet, một trong những hàng không lớn nhất châu Âu, đang tích cực tuyển dụng các nữ phi công. David Morgan, Giám đốc bộ phận điều hành bay của  EasyJet, cho biết hiện tại, có quá ít nữ giới gia nhập nghề phi công.

Giờ đây, EasyJet đặt mục tiêu nâng số tỷ lệ nữ giới lên mức 20% trong tổng số phi công tuyển dụng với vào năm 2020. Hiện tại, tỷ lệ nữ phi công của EasyJet chỉ là 5,4%, tức chỉ có 215 nữ giới trong đội ngũ 4.000 phi công của hãng này.

Một hãng hàng không khác cũng đang nỗ lực tuyển nhiều nữ phi công hơn là Virgin Australia Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai nước Úc. Hãng này đặt ra mục tiêu rất tham vọng, hướng đến tỷ lệ cân bằng giới 50:50 ở các học viên phi công mới.

Lucinda Gemmell, Giám đốc nguồn nhân lực ở Virgin Australia Airlines, cho biết trong số 16 học viên phi công mà hãng này mới tiếp nhận, có 9 người là nữ. Hiện tại, chỉ có 5,7% lực lượng phi công của Virgin Australia Airlines là nữ.

Kathy McCullough, Chủ tịch truyền thông của ISWAP, cho rằng ngành vận tải hàng không cần làm nhiều điều hơn nữa để hỗ trợ các nữ phi công cân bằng công việc với bổn phận làm mẹ.

David Morgan, Giám đốc bộ phận điều hành bay của  EasyJet, cho biết hãng hàng không này đang cung cấp các lịch làm việc linh động cho các nữ phi công. Ông nói: “Nhiều nữ phi công của chúng tôi làm việc theo các hợp đồng bán thời gian hoặc theo giờ làm việc linh động để giúp họ có thể sắp xếp công viêc và đời sống gia đình”.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận