|
"Sập bẫy" cay đắng
Ông Đường Văn Thái (55 tuổi, trú thôn Long Hải, xã Thạch Kim, Lộc Hà) bức xúc kể, tháng 5.2014, ông đến UBND xã Thạch Kim xin xác nhận giấy tờ cho con thì được ông Nguyễn Văn Hồng (46 tuổi, cán bộ văn phòng thống kê xã, trú thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) giới thiệu có thể kết nối đưa người đi XKLĐ sang Singapore với chi phí 8.000USD/người (khoảng 170 triệu đồng). Người lao động được bao ăn ở, nhận lương 1.500 USD/tháng, làm việc nhẹ nhàng trong khách sạn và gia hạn visa hàng năm.
Tin tưởng, ông Thái về vay ngân hàng, thế chấp tài sản để có tiền cho con trai là Đường Văn Thái và con gái Phạm Thị Linh cùng đi. Biết chuyện, 9 người cháu là con dì, cô, cậu... cũng nhờ ông Thái đăng ký giùm. Sau khi đăng ký, ông Hồng yêu cầu đặt cọc trước 5.000USD/người và cam kết sau 2 tháng thu tiền sẽ đưa người lao động sang làm việc. Nếu không, sẽ trả lại tiền đầy đủ. Trước hứa hẹn đó, 11 người đã nộp 55.000USD tiền cọc cho ông Hồng.
Quá hạn cam kết 2 tháng, ông Hồng vẫn chưa đưa được người đi. Nhiều người lo lắng, hỏi han thì được trấn an, chịu khó chờ đợi thêm thời gian nữa. Đến tháng 11.2014, ông Hồng thông báo đã có lịch bay, lao động nộp thêm 3.000USD/người. Lúc này, 2 người đã nộp tiền cọc bắt đầu nghi ngờ nên không nộp nữa. 9 người vẫn nộp thêm 27.000 USD cho ông Hồng.
"Theo thông báo của ông Hồng, ngày 21.12.2014, 9 người đã nộp đủ tiền đi vào Sài Gòn để chuẩn bị bay, nhưng chờ mãi vẫn không đi được. Cuối cùng, ông Hồng nói, đơn hàng Singapore giờ không đi được nữa. Mọi người bức xúc trở về quê và đòi rút lại tiền thì ông ta nói, tiền đã nộp cho đối tác ở nước ngoài, chưa rút được. Sau đó, ông Hồng giới thiệu, giờ có mối đi Hàn Quốc hợp pháp với chi phí 15.000 USD, làm việc thời hạn 2 năm, những người đã nộp tiền mà không đi được Singapore nếu đăng ký sang Hàn Quốc khi sang tới nơi sẽ nộp thêm 7.000USD/người. Có 2 người chấp nhận bay sang Malaysia, nhưng mãi không sang được Hàn Quốc, họ đành về nước. Sau sự việc, mọi người quá bức xúc đến đòi rút lại tiền thì ông Hồng hứa hẹn hết lần này đến lần khác nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông ta lên công an", ông Thái cay đắng kể lại.
Theo ông Thái, gia đình ông phải trả lãi đến 5 triệu đồng/tháng. Không đòi lại được tiền thì chỉ trả lãi thôi cũng đã chết chứ chưa nói gì đến trả tiền gốc. Bà Trần Thị Mai (51 tuổi, xã Thạch Kim) có người thân là nạn nhân của ông Hồng, bức xúc: “Mỗi tháng tôi nướng cá thuê cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Vậy mà phải trả lãi gần 3 triệu đồng/tháng. Thế này thì chịu chi nổi”.
Một trong số những giấy tờ mà ông Hồng nhận tiền cọc của lao động rồi không đưa được người đi (ảnh trái). Đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của ông Hồng. |
Bỏ trốn khỏi địa phương
Ngày 15.12, ông Đinh Ngọc Hùng - Trưởng Công an xã Thạch Kim - cho biết, vụ việc ông Hồng bị tố lừa nhận tiền nhưng không đưa người XKLĐ sang Singapore đã được chuyển hồ sơ cho Công an huyện Lộc Hà điều tra, xử lý. Cũng theo ông Hùng, sau khi bị tố cáo, từ tháng 3.2015, ông Hồng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ông Trần Đình Hưng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim - cho biết, sau sự việc, ông Hồng đã bị Huyện ủy Lộc Hà ra quyết định cách chức đảng ủy viên, UBND huyện cũng đã có quyết định buộc thôi việc.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Viện trưởng VKSND huyện Lộc Hà - cho biết, qua điều tra ban đầu, số nạn nhân đã đưa tiền cho ông Hồng là 19 người, với tổng số tiền trên 4 tỉ đồng. Cũng theo ông Quyết, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ông Hồng chỉ là người môi giới XKLĐ cho Cty TNHH MTV Tư vấn Giáo dục Du lịch Toàn cầu (trụ sở tại quận Phú Nhuận, TPHCM) do bà Nguyễn Thị Hồng Oanh làm Giám đốc. Thực tế, Cty của bà Oanh chỉ được Sở KHĐT TPHCM cấp phép chức năng là tư vấn dịch vụ du học và du lịch.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Thái, ngày 20.10, Công an huyện Lộc Hà đã có thông báo trả lời "hành vi của ông Nguyễn Văn Hồng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Ông Thái cho rằng thông báo này không thỏa đáng. Bởi ông Hồng đã lợi dụng là cán bộ xã được nhân dân tin tưởng nên hứa hẹn, gom tiền tỉ, nhưng thực tế không đưa được người đi lao động như cam kết. Khi người dân đòi lại tiền thì không chịu trả mà tắt điện thoại, bỏ trốn khỏi địa phương. "Chúng tôi kính đề nghị các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Công an huyện Lộc Hà xem xét lại vụ việc để xử lý nghiêm kẻ lừa đảo", ông Thái nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.