Hàng loạt giải pháp đột phá phát triển đội tàu biển của Việt Nam

Tác giả: L.Chi

saosaosaosaosao
Vận tải 03/10/2022 16:27

Một trong số các giải pháp trước mắt là tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng gấp đôi thị phần xuất nhập khẩu hàng hóa

Bộ GTVT vừa có Quyết định số 1254 phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam.

Mục tiêu của Đề án là đánh giá bức tranh toàn cảnh thực trạng đội tàu vận tải biển hiện có của Việt Nam; đề xuất được loại tàu phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và quốc tế cần được phát triển trong thời gian tới, cùng với các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng và phát triển đội tàu này, nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc tế, để từ đó góp phần giảm chi phí logistic và bảo đảm duy trì tính chủ động, ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khi có những yếu tố biến động bất lợi của thị trường.

Hàng loạt giải pháp đột phá phát triển đội tàu biển của Việt Nam

 - Ảnh 1.

Một trong những mục tiêu của đề án là tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030 (ảnh minh họa)

Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.

Hàng loạt giải pháp về cơ chế, tài chính

Để đạt được những mục tiêu này, trong giai đoạn 2022 – 2026, hàng loạt giải pháp sẽ được thực hiện như: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Nghiên cứu xây dựng quy phạm tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm tăng cường tính kết nối, giảm tải cho đường bộ, nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác bền vững đồng thời hướng tới kết nối vận tải ven biển trong khu vực.

Sửa đổi quy định về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam đối với tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi.

Cho phép các phương tiện vận chuyển hàng container đóng mới có chân vịt mũi, chiều dài dưới 92m, kết nối cảng biển với cảng thủy nội địa được miễn hoa tiêu hàng hải và tàu lai khi cập cầu.

Áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.

Cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026.

Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG.

Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa.

Tăng cường phối hợp và gắn kết giữa đơn vị sử dụng thuyền viên với các cơ sở đào tạo, huấn luyện để bảo đảm nhân lực có kiến thức và kỹ năng sát với nhu cầu thực tế công việc và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Đối với giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải đối với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia hoặc là thành viên; phù hợp với tình hình phát triển mới của ngành hàng hải.

Tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.

Thực hiện nghiêm túc và tiên phong trong việc triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26. Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển để từng bước làm chủ công nghệ, hiện đại hóa ngành đóng tàu của Việt Nam phù hợp với các cam kết của COP 26.

Tiếp tục miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2, … và các tàu chở LNG đến hết năm 2030.

Ý kiến của bạn

Bình luận