Hàng ngàn, hàng vạn xe máy vẫn cứ tràn vào làn đường ôtô

Ý kiến 17/08/2019 10:46

Trong khi đó, có ngồi trên ôtô mới thấy ớn các kiểu xe máy chạy ẩu, lấn trái, cắt mặt ôtô.

 

xemay-1566003488884285344077
Xe máy lấn làn ôtô trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc do xe máy chạy vào làn đường ôtô. Nhiều tuyến đường dù cơ quan chức năng đã treo biển cấm, hàng ngàn người đi xe máy vẫn bất chấp phóng bạt mạng vào làn ôtô.

Nhiều người dân cho rằng cần phải xử nghiêm chuyện xe máy đi ẩu, lấn làn này.

Phóng bạt mạng trên làn đường ôtô

Tình trạng xe máy tràn vào làn đường dành cho ôtô đã thành quá quen thuộc trên các đường lớn của TP.HCM như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Điện Biên Phủ... Đây là nguyên nhân gây hỗn loạn, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trên đường Phạm Văn Đồng (từ Q.Thủ Đức đến Q.Gò Vấp), rất nhiều xe máy ồ ạt chạy vào làn đường dành cho ôtô. 

Mặc dù trên tuyến đường này có biển cấm xe hai bánh chạy vào làn ôtô từ 9h - 11h hằng ngày, thế nhưng hàng ngàn xe máy vẫn chen chúc và bất chấp nguy hiểm đi vào làn đường ôtô. Nhiều người liều lĩnh cắt ngang đầu ôtô để vượt lên phía trước.

Trên tuyến đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), tình trạng nghiêm trọng hơn: xe máy ken đặc hết các làn đường và cùng kẹt cứng; xe máy chen lấn khiến ôtô phải di chuyển rất chậm, thậm chí đứng im không nhúc nhích hàng chục phút. 

Người đi xe máy vẫn quen không quan tâm làn đường, cứ chỗ nào trống là chen vào, lấn tới. Nhiều người vẫn lý giải do làn đường cho xe máy quá hẹp, họ phải làm như vậy để đi nhanh hơn.

Nhiều đường lớn lâm vào cảnh kẹt xe có khi chỉ do vài xe máy lấn trái, chạy vào làn ôtô, lấn sang cả làn ôtô chiều ngược lại (nếu không vướng dải phân cách).

Anh Phạm Minh Lâm, tài xế ôtô ở Q.Tân Bình, lắc đầu nói: "Ngày nào tôi cũng đi qua hai tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh. Vào giờ cao điểm rất hay tắc nghẽn, ôtô rất khó đi, có khi phải mất vài chục phút mới đi được đoạn đường ngắn". 

Theo anh Lâm, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do xe máy tràn qua làn ôtô quá nhiều, cảnh sát giao thông (CSGT) cũng không điều tiết nổi! 

"Theo tôi, lực lượng CSGT cần tăng cường xử phạt hành vi này, thậm chí đề xuất tăng mức xử phạt. TP.HCM cũng phải có phương án mở rộng thêm làn đường cho xe máy hoặc tổ chức giao thông lại cho phù hợp với tình hình thực tế" - anh Lâm nói thêm.

Còn chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, người dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường Điện Biên Phủ (đoạn qua Q.Bình Thạnh), cho biết đã nhiều lần chứng kiến người đi xe máy phóng bạt mạng vào làn đường ôtô rồi tự té, hoặc va chạm với ôtô phải nhập viện. 

"Đường này ôtô thường chạy rất nhanh, tốc độ 70 - 80km/h, rất nguy hiểm cho xe máy chạy vào làn ôtô. Có khi xe máy chuyển làn đột ngột, ôtô không thể giảm tốc kịp, tai nạn giao thông là không tránh khỏi. 

Tôi cho rằng trong chuyện này, ý thức mỗi người đi đường là quan trọng nhất. Đi đúng làn đường chính là để bảo vệ mình" - chị Ngọc nói.

Lắp dải phân cách cứng ngăn xe chạy sai làn

Trao đổi về vấn đề trên, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - nói chuyện xe máy tràn vào làn ôtô diễn ra thường xuyên ở các đường lớn. 

Đơn vị này cũng đã có lắp đặt các biển báo hướng dẫn, phân làn cụ thể nhưng nhiều người đi đường vẫn cố tình vi phạm gây ùn tắc, dễ gây tai nạn.

Theo ông Đường, đã có quy định rõ ràng về thời gian xe máy được đi vào làn ôtô trên đường Phạm Văn Đồng và Trường Chinh. 

"Ngoài khung giờ quy định, người đi xe máy chạy vào làn đường ôtô cần được CSGT xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn và chấn chỉnh giao thông" - ông Đường nói. 

Về lâu dài, ông Đường cho biết Sở GTVT TP sẽ lắp đặt dải phân cách cứng và cọc tiêu dọc các tuyến đường này để ngăn xe máy chạy vào làn ôtô. Hiện đơn vị đang đề xuất kinh phí để nhanh chóng triển khai việc này.

Theo một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, thời gian qua lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt nghiêm các trường hợp xe máy chạy vào làn đường ôtô trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh. 

Mức xử phạt theo nghị định 46 là 300.000 - 400.000 đồng/trường hợp. Một số trường hợp chạy xe đạp vào làn đường ôtô cũng bị nhắc nhở, xử lý đúng quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, việc xử lý xe vi phạm vẫn còn gặp một số khó khăn, CSGT rất khó dừng xe vi phạm bởi xe máy khi vào làn đường ôtô thường chạy rất nhanh.

Theo vị cán bộ CSGT này, lực lượng CSGT sẽ tăng cường xử phạt. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở GTVT TP.HCM để có những phương án điều tiết giao thông, phân luồng giao thông hợp lý, giảm ùn tắc giao thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận