Thanh lý hàng dễ hư hỏng
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện tại các cửa khẩu cảng biển TP.HCM đang tồn đọng trên 1.000 container hàng hóa, trong đó chủ yếu là hàng NK. Nguyên nhân hàng tồn đọng là do DN từ chối nhận hàng, hàng không có người nhận, hàng chờ làm thủ tục hoặc không đủ điều kiện NK, không xin được giấy phép NK, hàng hư hỏng, không đúng hợp đồng nên DN chưa làm thủ tục hoặc từ bỏ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số hàng tồn đọng nêu trên, phần lớn hàng hóa tồn đọng tại các cửa khẩu cảng biển đều thuộc diện cấm, không đủ điều kiện NK hoặc hư hỏng do thời gian lưu kho, lưu bãi quá lâu, thủ tục thanh lý chậm nên khi thanh lý, bán đấu giá tiền bán đấu giá không đủ bù đắp chi phí phát sinh. Hàng tồn nhiều nhất là tại cảng Cát Lái với 838 container; cảng Sài Gòn khu vực 4 (cảng Phước Long- Thủ Đức) tồn 136 container; cảng Tân Cảng 26 container… Trong đó, theo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, trong số hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, đơn vị đang làm thủ tục để thanh lý gần 140 container theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính. Những lô hàng này đã nằm tại cảng Cát Lái quá 90 ngày. Thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 60 ngày, kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo lần đầu. Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa có hạn sử dụng dưới 60 ngày, thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 15 ngày. Sau thời gian trên, cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng đưa vào xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC.
Theo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, trong số hàng thanh lý đợt này phần lớn là hàng hóa thuộc dạng dễ hư hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại. Trong đó, có 11 container phân Ure, với tổng trọng lượng 505.000 tấn, được vận chuyển từ Trung Quốc về cảng Cát Lái từ tháng 11-2013 cho người nhận là một DN tại Cao Lãnh- Đồng Tháp, nhưng đến nay vẫn chưa có người làm thủ tục NK. Trên 10 container hóa chất NK về cảng từ năm 2013 cho 4 DN tại TP.HCM; 11 container, với tổng trọng lượng gần 110.000 tấn vitamin, có xuất xứ từ Trung Quốc gửi cho người nhận là một DN trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM, nhưng DN này cũng không đến làm thủ tục NK hàng kể từ khi hàng cập cảng Cát Lái vào tháng 8-2013…
Gỡ vướng xử lý hàng tồn đọng
Theo Cục Hải quan TP.HCM, Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính đã tạo nhiều thuận lợi cho việc xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển. Đối với hàng tồn đọng quá 90 ngày. Thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 60 ngày, kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo hàng tồn lần đầu. Đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng hóa có hạn sử dụng dưới 60 ngày, thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 15 ngày. Theo quy định này, đối với hàng tồn đọng quá 90 ngày và hàng trọng điểm, các Chi cục thực hiện việc theo dõi, giám sát tại khu vực riêng và thực hiện thủ tục thanh lý theo quy định.
Đáng chú ý, tại cảng VICT tuy chỉ có 4 container hàng tồn đọng, nhưng ngoài ra còn có 175 danh mục hàng hóa thu gom tồn đọng không có người nhận và gần 2 tấn khô dầu đậu nành. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, ngoài những lô hàng tồn đọng quá 90 ngày, nhưng không có người nhận đang được xử lý theo Thông tư 15/2014/TT-BTC, tại các ICD do Chi cục quản lý còn tồn đọng 14 container hàng bách hóa Trung Quốc và 20 container rượu Vodka tồn đọng tại cảng trên 300 ngày nhưng chủ hàng chưa từ bỏ đang được lưu tại kho do Chi cục quản lý.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay tại các cảng biển TP.HCM còn tồn đọng gần 30 container lốp xe ô tô NK các loại. Số hàng tồn đọng này phần lớn được NK về các cảng từ nhiều năm nay. Trong đó, theo địa chỉ nhận hàng thể hiện trên manifest, một DN có địa chỉ trên đường Trần Quang Khải, quận 1 TP.HCM có 8 container, hàng cập cảng từ tháng 10-2012; một DN tại Gia Lâm – Hà Nội có 20 container, thuộc diện tồn quá 90 ngày và 1 lô hàng rời của một DN tại Đà Nẵng, tồn đọng hơn 10 năm nay. Số hàng hóa tồn đọng chủ yếu là hàng đã qua sử dụng. Hiện đơn vị đang tổng hợp để xin ý kiến xử lý đối với số hàng tồn đọng này.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, khó khăn hiện nay là hệ thống E-manifest vẫn không cập nhật chức năng tra cứu theo tên hàng, DN nên việc quản lý container theo từng mặt hàng không thể thực hiện được. Việc thanh lý hàng tồn đọng hiện nay do cơ quan Hải quan chủ trì. Trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến các khâu, như: Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; lập hội đồng xử lý hàng tồn đọng; thủ tục thanh lý, bán đấu giá kéo dài thời gian; hạch toán chi phí khó khăn… Từ khó khăn trên, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị, giao cho Sở Tài chính và các DN kinh doanh cảng thực hiện việc thanh lý hàng tồn đọng, cơ quan Hải quan chỉ tham gia với tư cách giám sát, phối hợp…
(Theo Báo Hải quan)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.