Một chiếc Honda CR-V thế hệ mới đang được Consumer Reports thử nghiệm. |
Consumer Reports là một tạp chí nổi tiếng của Mỹ được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936 bởi tổ chức phi lợi nhuận Customers Union. Tạp chí này luôn đứng về phía những người tiêu dùng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường thông qua các nghiên cứu, thống kê và đánh giá của mình.
Có thể nói Consumer Reports giống như “Người Phán Xử” đối với các thương hiệu bởi chỉ cần một đánh giá tiêu cực là uy tín cũng như kết quả kinh doanh của thương hiệu đó sẽ chịu những tác động không nhỏ. Trong khi đó, nếu được tạp chí này vinh danh dù chỉ với một hạng mục sản phẩm là tình thế có thể đảo chiều một cách chóng mặt.
Bảng xếp hạng về độ hài lòng khách hàng của 30 thương hiệu xe
Mỗi khi năm hết tết đến, Consumer Reports lại đưa ra bài tổng kết thường niên về các hãng xe hơi và phân hạng chúng theo mức độ tín nhiệm và hài lòng của khách hàng (Owner Satisfaction Survey). Đây giống như một cuốn cẩm nang dành cho người tiêu dùng để cân nhắc xem họ nên lựa chọn cái tên nào khác khi mua một chiếc ô tô mới hay vẫn tiếp tục gắn bó với thương hiệu họ đang dùng.
Bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên số điểm hài lòng (Owner Satisfaction Score) trung bình mà các sản phẩm của những thương hiệu này đạt được. Con số này được xác định từ 4 trong tổng số 6 tiêu chí đánh giá. Trong 30 cái tên được nêu ra thì Tesla, Porsche và Infiniti là những thương hiệu không có sự xê dịch thứ hạng sau năm vừa qua. Tuy nhiên, nếu Tesla (thứ nhất) và Porsche (thứ 2) chia sẻ hai vị trí dẫn đầu thì hãng xe sang của Nhật Bản vẫn giậm chân ở gần cuối bảng xếp hạng với thứ hạng 27.
Xếp thứ 3 là thương hiệu xe sang Hàn Quốc Genesis với 81 điểm OSC. Trong khi đó, tập đoàn mẹ của hãng này là Hyundai lại lao dốc không phanh khi tụt tới 11 bậc và đứng thứ 24 chung cuộc. Đây cũng là cái tên tụt hạng nhiều nhất trong số này. Một đại diện khác của Hàn Quốc là Kia đã tăng 5 bậc để vươn lên vị trí thứ 13. Hai ông lớn của Nhật Bản là Toyota và Honda đều tụt 3 bậc so với năm ngoái, lần lượt xếp hạng 8 và 9.
Ford Focus RS.
Xếp ngay trên hai ông lớn này chính là những “người đồng hương” Mazda (thứ 6) và Subaru (thứ 7). Trong top 10 còn có sự góp mặt của một đại diện khác đến từ Đức là Audi với vị trí thứ 5. BMW đã rơi nhẹ 1 bậc so với năm 2016, trong khi đó một tên tuổi khác của Đức là Mercedes-Benz còn nằm ngoài top 20 (thứ 22) sau khi tụt 3 hạng. Còn với Volkswagen, hãng này đã thăng được 1 hạng ở vị trí số 23 sau một quãng thời gian đầy sóng gió với bê bối gian lận khí thải của mình.
Trong số 3 đại gia của Mỹ thì chỉ có duy nhất Chrysler (thứ 4) góp mặt trong 10 cái tên dẫn đầu sau khi tăng tới 4 bậc so với năm ngoái. Lincoln – công ty con của Ford xếp thứ 10, cao hơn năm ngoái 2 bậc. Ford cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ 17 chung cuộc, tụt 2 bậc. Có một điều rất đáng lưu ý khi một ông lớn khác của Nhật Bản là Nissan chỉ đứng áp chót trong tổng số 30 thương hiệu được nêu tên. Đứng cuối cùng là hãng xe con của Honda – Acura với cùng 58 điểm như Nissan và Mitsubishi (thứ 28).
Consumer Reports cũng cho biết rằng vì thiếu các dữ liệu cần thiết nên Alfa Romeo, Fiat, Jaguar, Land Rover, Maserati và Smart không được đưa vào dách sách trên.
Cuối cùng, luôn nhớ rằng chỉ số nghiên cứu này của Consumer Reports chỉ áp dụng với thị trường Mỹ, mang tính chất tham khảo cho bạn đọc. Ở những thị trường khác, do đặc thù khách hàng cũng như hoạt động của các thương hiệu khác nhau, nên mức độ hài lòng của khách hàng với các thương hiệu cũng khác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.