Hành khách đi tàu "thỏa sức" thưởng lãm tranh ở Ga Đà Nẵng

Tác giả: Ngọc Thắm

saosaosaosaosao
Xã hội 27/03/2024 16:08

Nhiều hành khách trên đoàn tàu du lịch "Kết nối di sản miền Trung" khi bước vào Ga Đà Nẵng, không khỏi thích thú khi được thưởng lãm những bức họa giới thiệu về con người, cảnh quan, danh thắng của TP. Đà Nẵng dưới lăng kính của 2 họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng.

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng
Hành khách đi tàu

Tranh của 2 họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng trưng bày tại Ga Đà Nẵng được giới trẻ quan tâm, tìm hiểu

Nhiều hành khách đi tàu không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những đổi thay hình ảnh, không gian nhà Ga Đà Nẵng thời gian gần đây. Từ khu vực tiền sảnh, các vị trí dừng, đỗ xe, bố trí điểm đón, trả khách vào Ga Đà Nẵng được sắp xếp thông thoáng, thuận lợi. Phương tiện giao thông vào ra, người dân, hành khách đi lại trật tự, an toàn; không gian nhà ga, phòng bán vé, phòng chờ luôn sạch sẽ, thoáng mát. 

Bước vào phía trong, phòng chờ tàu, khu vực đón trả khách, nhân viên phục vụ luôn niềm nở, tận tình, chu đáo, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ hành khách đi tàu mọi lúc, mọi nơi. Điều mới mẻ nhất là Ga Đà Nẵng dành một không gian "mở" chạy dọc hành lang để bố trí những tác phẩm nghệ thuật, tạo cho không gian nhà ga đường sắt khác lạ. Hành khách đi tàu không khỏi thích thú khi có cơ hội thưởng thức những bức tranh trong khi chờ lên, xuống tàu.

Ông Keip (quốc tịch Canada) - hành khách quốc tế đi trên chuyến tàu ĐH1 "Kết nối di sản miền Trung" từ TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào TP. Đà Nẵng sáng ngày 26/3, cho biết, ông cùng gia đình đi du lịch nhiều nơi và đây là lần đầu tiên đến TP. Đà Nẵng du lịch. Khi xuống tàu, vừa vào Ga Đà Nẵng, ấn tượng đầu tiên là có một không gian nghệ thuật với những bức tranh giới thiệu về cảnh quan, danh thắng, con người Đà Nẵng. "Tôi cảm thấy thú vị, khi không chỉ được xem tranh, mà còn được trò chuyện, giao lưu với tác giả những bức tranh giới thiệu ở Ga Đà Nẵng", ông Keip nói.

Không chỉ các hành khách lớn tuổi, mà nhiều bạn trẻ đi tàu thích thú khi được xem tranh tại không gian nhà ga. Ngô Thanh Ngân - sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM bày tỏ sự ấn tượng với những bức tranh và mình không nghĩ khi bước xuống tàu, đến Đà Nẵng sẽ thấy được những nét vẽ trừu tượng, đầy mê hoặc. 

"Mình cũng là một người yêu thích tranh nên nó cho mình cảm giác rất tuyệt. Tranh của họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng có đầy đủ cảm xúc bên trong, gam màu nóng lạnh cứ cuộn vào nhau như sóng ấy. Ấn tượng nhất là bức tranh Báu vật sơn trà (2023), lũ voọc cứ như thoắt ẩn, thoắt hiện, nhìn kĩ mới thấy chúng, xa xa còn có TP. Đà Nẵng hiện đại, sự kết hợp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người được lồng ghép rất tinh tế. Mình sẽ checkin ở đây để lưu giữ kỷ niệm đáng nhớ ở thành phố đáng sống này!", Ngân chia sẻ và không khỏi ngỡ ngàng khi biết 2 họa sĩ này vừa là vợ chồng, vừa là giảng viên đang giảng dạy ở Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. 

Đặc biệt, họa sĩ Ngô Thanh Hùng nổi tiếng với những nét vẽ về "Trâu", nhưng đến với sự kiện du lịch Kết nối di sản Huế - Đà Nẵng, anh mang hình ảnh Đà Nẵng đến gần hơn với du khách. Những con người thân thiện, hiếu khách, những cảnh sắc hùng vĩ, bao la như sống trong tranh, sinh động và cuốn hút. Tranh của anh nhuộm một màu sắc văn hóa độc đáo khó khước từ.

Hành khách đi tàu

Ông Keip (quốc tịch Canada) - hành khách quốc tế đi trên chuyến tàu ĐH1 "Kết nối di sản miền Trung" từ TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào TP. Đà Nẵng trò chuyện cùng họa sĩ Ngô Thanh Hùng

Nói về việc mang tranh đến ga tàu Đà Nẵng giới thiệu, quảng bá hình ảnh TP. Đà Nẵng, họa sĩ Ngô Thanh Hùng cho biết: Loạt tranh này lấy cảm hứng từ cảnh quan, danh thắng và con người Đà Nẵng. Ga Đà Nẵng là một trong những "cửa ngõ" mà du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng. "Chúng tôi mong muốn, khi bước xuống tàu, du khách trong nước và nước ngoài có ánh nhìn đầu tiên về thành phố xinh đẹp của mình. Trong tranh có biển, núi, sông, các tòa nhà cao tầng, tạo cảm giác thân thiện, ấn tượng cho du khách ngay khi vừa đặt chân đến Đà Nẵng", họa sĩ Hùng chia sẻ.

Đến với sự kiện, vợ chồng họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng mang theo 11 tác phẩm, loạt tác phẩm này được hoàn thiện ở những thời điểm khác nhau (2010 - 2023). Như bức "Ước vọng" (2010), có ý nghĩa về sự sinh sôi, phát triển và chiều sâu văn hóa trong đó. Nhìn lâu, mình sẽ thấy có nông nghiệp, ngư nghiệp, ước vọng về mùa màng, ấm no, hạnh phúc về tương lai. Mỗi tác phẩm anh mất trung bình một tháng để hoàn thiện.

Họa sĩ Hùng cho hay, anh ý thức rõ những khó khăn khi theo đuổi trường phái trừu tượng biểu hiện. Tuy nhiên, tình yêu, sự ham thích với dòng tranh này khiến anh quyết liệt dấn thân để trải nghiệm. Họa sĩ quan niệm tìm đến thể loại này trước hết để thỏa mãn cảm xúc của chính mình. Đến triển lãm lần này anh muốn mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, để họ có thể nhìn, có thể hiểu và cảm nhận chúng. Đặc biệt là vẻ đẹp của TP. Đà Nẵng qua những bức tranh sơn dầu của mình.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Ga Đà Nẵng cho biết, loạt tranh của 2 họa sĩ Ngô Thanh Hùng và Đặng Thị Phượng sẽ được trưng bày, giới thiệu tại nhà ga Đà Nẵng nhân dịp Khai trương đoàn tàu du lịch nối Huế - Đà Nẵng, kéo dài 1 tháng, đến cuối tháng 4/2024. Việc đưa những tác phẩm nghệ thuật đến với không gian nhà ga Đà Nẵng sẽ góp phần tạo không gian nhà ga thêm sinh động, thân thiện, đẹp hơn với hành khách và du khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt.

"Mang tranh đến trưng bày ở nhà ga Đà Nẵng là cách làm hay của họa sĩ nhằm giới thiệu tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, gần gũi với người dân hơn, nhất là những người có niềm đam mê nghệ thuật hội họa. Không những vậy, những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở nhà ga sẽ góp phần làm cho không gian Ga Đà Nẵng thêm thân thiện", ông Hồ Đình Nam Kha, Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại TP. Đà Nẵng nhìn nhận.