Kỳ 1: Hải đăng Hạ Mai - nơi thử thách sức người
Không điện lưới, không dân, từ chân núi, sát mặt biển lên đến trạm đèn dài gần 1km. Trên quãng đường với độ dốc hơn 30 độ xuyên qua cánh rừng nguyên sinh là 345 bậc thang. Nhu yếu phẩm tiếp tế đều phải tập kết ở chân núi, sau đó chia nhỏ rồi mới được mang vác, gánh gồng lên trạm. Tất cả đều bằng sức người…
Trạm hải đăng Hạ Mai nằm một mình trên đỉnh núi của đảo Hạ Mai, thuộc xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trên đảo không có dân, đơn vị biên phòng đóng quân dưới chân núi, anh em trạm đèn lại ở trên đỉnh núi, phía Nam đảo, muốn gặp gỡ hay giao lưu cũng phải hạ quyết tâm. Nhưng ở đây, hai lực lượng, hai đơn vị quý nhau như ruột thịt.
Cạnh mép nước chừng chục mét, có một nhà kho, nơi anh em tập kết nhu yếu phẩm và đặc biệt là những can, thùng dầu diezel để chạy máy phát điện trên trạm, phục vụ quản lý, vận hành đèn và đời sống sinh hoạt.
Ở đó còn có sự hiện diện của một đồ vật rất đặc biệt – chiếc đòn gánh. Để đưa lương thực, thực phẩm, dầu diezel từ chân núi, vượt qua 345 bậc thang, dốc, chiếc đòn gánh là vật bất ly thân của anh em trạm đèn Hạ Mai.
Những thùng phuy dầu diezel chuyển từ tàu tiếp tế, thả trôi trên biển rồi được anh em trạm hải đăng Hạ Mai đưa vào bờ, san ra các can 20 lít
Video: Dầu được vận chuyển lên bờ và chia vào các can 20 lít (chỉ bơm khoảng 10 lít) để vừa sức người gánh lên trạm
Những can dầu 20 lít nhưng anh em căn chỉnh làm sao chỉ sang chiết vào đó chừng 10 lít mỗi bên, sau đó mới gánh lên trạm. Lương thực, thực phẩm cũng thế. 10kg như là một cái mốc định sẵn, cho vừa sức người, vừa quãng đường dài và dốc.
Anh Đồng Văn Thụ gánh dầu lên trạm hải đăng
Hôm chúng tôi vào đảo, đồng hồ đã chỉ gần 20h. Trời cuối năm lạnh và tối. Đã quá quen với những lần theo tàu đi tiếp tế ở các trạm đèn, anh Nguyễn Hữu Tiệp, Thuyền trưởng tàu VS59 liên tục nháy đèn pin về phía đảo. Đáp lại, một ánh đèn pin từ phía đảo cũng chiếu về phía tàu, báo hiệu. Đó là ánh đèn pin trên tay anh Nguyễn Hồng Tuyên, Trạm trưởng trạm đèn Hạ Mai.
Đường lên hải đăng Hạ Mai với dốc cao, cùng hàng trăm bậc thang, mọi nhu yếu phẩm đều phải vận chuyển bằng sức người
Không có cầu tàu, bên dưới nhiều đá ngầm nên tàu VS59 (tàu tiếp tế và chuyên dụng thay thả phao thuộc Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc) phải neo ở xa.
Trước đó, biết có đoàn công tác của Xí nghiệp ra chuyển đồ tiếp tế và chúc Tết, anh Tuyên "chơi sang", mượn ngay được chiếc xuồng của anh em biên phòng rồi trực tiếp lái xuồng đưa mọi người từ tàu vào đảo.
"Ở đây không có cầu tàu như ở đảo Trần, chỉ có cầu đá. Nhu yếu phẩm, hàng tiếp tế đều phải dùng thuyền nhỏ hoặc xuồng "tăng bo" vào bờ, sau đó anh em chia nhỏ mang lên trạm", anh Tuyên chia sẻ.
Tại trạm đèn Hạ Mai, người lớn tuổi nhất là Trạm trưởng Nguyễn Hồng Tuyên; ít tuổi nhất là chàng thanh niên Phạm Công Huy (SN 1993, quê Hải Phòng). Trạm phó trạm đèn Hạ Mai là Nguyễn Đăng Linh (SN 1985, quê Nam Định) có anh trai là Nguyễn Mạnh Hùng, hiện cũng đang là Trạm trưởng trạm đèn Long Châu (hải đăng Long Châu), cũng thuộc quản lý của Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ.
Con đường nhỏ với hàng trăm bậc thang dẫn sâu hun hút, xuyên qua khu rừng tĩnh lặng. Chỉ còn nghe tiếng bước chân, côn trùng. Đặt chân lên đảo rét là thế mà dọc đường, tôi và mấy anh em Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ chốc chốc lại phải dừng lại để nghỉ, chân mỏi nhừ, đầu gối như muốn khụy xuống. Mồ hôi bắt đầu rịn ra, những lớp áo khoác lần lượt phải cởi bỏ.
Cũng may, trên người chúng tôi khi đó chỉ có chiếc ba lô nhỏ, vài tập tài liệu. Còn với anh em trạm hải đăng Hạ Mai, hàng ngày họ vác hoặc gánh cả chục kg dầu, lương thực, thực phẩm vượt qua 345 bậc thang, leo dốc.
"Đều phải dùng sức người nhà báo ạ", anh Tuyên nói và đọc hai câu thơ anh em trạm đèn ví von: "Yên Tử có cái cáp treo/Hạ Mai có cái cáp trèo… bằng chân".
Lương thực, thực phẩm cũng được các anh san ra các bao khoảng 10kg để gánh lên trạm đèn
Đây đã là năm thứ 28, anh Tuyên công tác trong ngành bảo đảm hàng hải, đã từng công tác tại các trạm luồng sông Cấm, Vật Cách, Nam Triệu, Bạch Đằng và một số trạm đèn. Từ 2005, anh ra Hạ Mai, đảm nhận vị trí trạm trưởng từ đó đến nay.
"Ngoài đảo tưởng là mát, nhưng trạm ở vị trí cao nhất, không có bóng cây nên mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông thì lạnh thấu xương, không thể ở ngoài lâu", vị trạm trưởng sinh năm 1975, quê Hải Phòng cho hay.
Ngoài trở ngại về điều kiện địa hình, khí hậu và đường đi, vận chuyển, cũng như ở nhiều đảo khác vùng Đông Bắc, anh em trên trạm đèn Hạ Mai phải đối mặt với "vấn đề" nước ngọt.
"Ngoài bể nước khoảng 36 khối dưới dưới lòng nhà, trạm còn được cấp 5 téc nước. Mùa mưa đỡ hơn, nhưng sang đến mùa khô, anh em phải dùng tiết kiệm nước. Thậm chí phải tận dụng nước sinh hoạt để tưới rau, cải thiện bữa ăn. Có thời điểm thiếu nước phải mua nước ngọt từ ngư dân với chi phí cao hơn, đổ vào bể dưới chân núi, sau đó san ra các can và lại gánh lên trạm", anh Tuyên chia sẻ.
"Trạm có 8 anh em, quý nhau như anh em ruột thịt. Mình lớn tuổi nhất, lại là trạm trưởng nên luôn cố gắng để dung hòa, gắn kết anh em", anh Tuyên nói và cho biết, anh em vẫn thường xuyên động viên, chia sẻ với nhau để vượt qua những khó khăn thường nhật, chỉ mong được đảm bảo các chế độ phụ cấp như các lực lượng bộ đội làm việc cùng môi trường.
Chiều cao toàn bộ của hải đăng Hạ Mai là 181,4m (tính đến mực nước số "0" hải đồ); Chiều cao công trình là 11,3m (tính đến nền móng công trình); Tầm hiệu lực ánh sáng là 20,7 hải lý, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh định hướng và xác định vị trí của mình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.