Những ngọn hải đăng vùng Đông Bắc: Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Xã hội 23/01/2023 08:00

Hồi người cha công tác trên đảo Trần, anh Chính còn nhỏ lắm và cũng chưa từng một lần đặt chân lên đảo. Giờ đây, anh Chính đang tiếp bước sứ mệnh giữ ngọn đèn biển trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Vừa luôn tay lau bề mặt những tấm pin mặt trời, Trần Chung Chính (SN 1986, quê Hải Phòng), Trạm phó trạm đèn đảo Trần (hải đăng đảo Trần) bảo: "Từ khi có điện lưới (cuối năm 2020), cuộc sống, sinh hoạt của anh em trên trạm đèn đỡ vất vả hơn. Ngày trước cũng phải gánh dầu từ chân núi lên để chạy máy phát".

Đường dẫn với hàng trăm bậc thang lên hải đăng đảo Trần

Đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, là hòn đảo xa nhất của huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Sở dĩ nói đảo Trần là đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc bởi từ đảo Trần đến đường phân định vịnh Bắc Bộ chỉ khoảng trên 10 hải lý, lại là hòn đảo cách huyện lỵ và đất liền xa nhất.

Dù đã có điện lưới nhưng theo Trạm trưởng Nguyễn Văn Hoan, việc sử dụng điện đều phải tiết kiệm tối đa vì điện yếu (quá trình truyền tải hao hụt), phân phối tùy từng thời điểm.

Vị trạm trưởng sinh năm 1968 công tác ở đảo Trần từ năm 2007, chỉ còn hơn 1 năm nữa là nghỉ hưu. Anh từng có thời gian làm việc ở trạm đèn Cô Tô, trạm soi đèn luồng Cửa Ông, Thanh niên, Vạn Gia.

"16 năm qua, hầu như mình đều ăn Tết ở đảo. Đặc thù công việc mà, phải trực cả ngày lễ, Tết", anh kể.

Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần     - Ảnh 2.

Cán bộ công nhân viên trạm hải đăng đảo Trần nuôi ong để tận dụng nguồn hoa cây rừng tự nhiên

May mắn hơn đảo Hạ Mai, tại đảo Trần, ngoài việc có điện lưới, trên đảo cũng còn có dân ở và một số đơn vị bộ đội đóng quân. "Nhưng vị trí dựng hải đăng luôn là nơi điểm cao, xa xôi, hẻo lánh. Lo nhất là những lúc mưa bão, gió và sét. Anh em mong muốn công nghệ thu sét ngày càng hiệu quả hơn để anh em trong quá trình làm việc an toàn hơn, nhất là trong những điều kiện thời tiết bất thường", anh Hoan nói và cho biết, con gái anh hiện cũng đang công tác ở Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc.

Trên trạm, anh Hoan là người nhiều tuổi nhất. "Trạm là ngôi nhà thứ hai. Với những anh em trẻ, mình là người dày dạn thì càng phải giữ vai trò động viên, chia sẻ…", anh nói.

Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần     - Ảnh 3.

Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần     - Ảnh 4.

Một góc ngọn hải đăng đảo Trần

Cũng vì ở vị trí cao nên mùa đông, gió bấc thổi lạnh thấu xương. "Trước khi đảo Trần có điện, anh em cũng phải gánh dầu, vượt hàng trăm bậc thang từ chân núi lên trạm để chạy máy phát. Cứ sáng một chuyến, chiều một chuyến. Lúc xưa đường cũng còn khấp khểnh", Trạm phó trạm đèn Trần Chung Chính nhớ lại.

Ra đảo Trần đến nay được 6 năm, cũng nhiều lần đón Tết ngoài đảo, anh Chính bảo: "Em lấy vợ muộn, cũng phải tranh thủ những lần về phép, được bạn bè giới thiệu rồi tìm hiểu. Gần 1 năm từ ngày quen biết thì chúng em quyết định "góp gạo thổi cơm chung". Giờ con trai được hơn 1 tuổi rưỡi. Cũng may bà xã hiểu công việc của chồng và luôn động viên, chia sẻ".

Trạm phó Trần Chung Chính với công việc bảo dưỡng hải đăng và những tấm pin mặt trời

Rồi Chính kể, người cha của anh trước đây cũng từng công tác trên đảo Trần. Ông Trần Văn Cải (SN 1956), từng làm công nhân vận hành hải đăng đảo Trần từ năm 2002 đến 2011.

"Cha em từng công tác ở một số đảo và em cũng từng được đi theo đôi lần nhưng chưa khi nào được theo cha ra đảo Trần. Khi ra đây, cũng một phần theo nguyện vọng cá nhân nhưng cơ bản vẫn do cơ quan điều động, phân công", Trạm phó trạm đèn đảo Trần bộc bạch về công việc anh đang tiếp bước cha thực hiện sứ mệnh giữ ánh sáng ngọn đèn biển ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trên đảo, ngọn hải đăng đảo Trần sừng sững với tháp đèn hình trụ, với chiều cao toàn bộ là 203,7m (tính đến mực nước số "0" hải đồ). Riêng chiều cao công trình (hải đăng) là 17,7m (tính đến nền móng công trình); Tầm hiệu lực ánh sáng là 20,7 hải lý, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh định hướng và xác định vị trí của mình.

Trên trạm đèn đảo Trần, nước sinh hoạt cũng phải tiết kiệm. Anh em tận dụng nước sinh hoạt đưa xuống bể lắng, sau đó dùng để tưới cho rau.

Với đàn gà, các anh che chắn kỹ càng. "Ngoài này gió nhiều, không che chắn kỹ không nuôi được gà. Anh em còn nuôi ong lấy mật, không phải để bán mà là tận dụng nguồn hoa của cây rừng dồi dào", Trạm trưởng Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần     - Ảnh 7.

Vườn rau - công trình thanh niên trên trạm hải đăng đảo Trần

Những ngọn hải đăng vùng Đông Bắc:  Kỳ 2: Tiếp bước cha trên hải đăng đảo Trần - Ảnh 8.

Anh em trên trạm hải đăng đảo Trần trang trí, bày biện mâm ngũ quả Tết Quý Mão 2023

Chị Phạm Thị Minh Phượng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ bảo rằng, làm bạn với đá núi, sóng gió, anh em trạm đèn có nhiều cái thiệt thòi, đặc biệt là ngại tiếp xúc.

"Xí nghiệp vẫn thường xuyên tổ chức khám sức khoẻ, đánh giá tâm lý cho cán bộ công nhân viên trạm đèn. Đồng thời có các chương trình kiểm tra môi trường, nguồn nước, tiếng ồn, không khí để anh em yên tâm công tác", chị Phương cho hay.


Ý kiến của bạn

Bình luận