Hé lộ bí kíp công nghệ làm hầm dài nhất cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 28/08/2024 17:17

Công nghệ đào hầm tiên tiến bậc nhất của thế giới NATM đã được các chuyên gia, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả cải tiến sáng tạo trong thực tiễn với tên gọi là phương pháp đào hầm NATM hệ Đèo Cả đã giúp tăng không gian đào hầm, không phụ thuộc vào điều kiện địa chất, hệ số an toàn vượt trội, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Hé lộ bí kíp công nghệ làm hầm dài nhất cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Thi công hầm số 3 tại cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Thần tốc thi công 3 hầm xuyên núi ở dự án lớn nhất cao tốc Bắc - Nam

Cách đây khoảng hai thập kỷ trở về trước, các dự án hạ tầng giao thông có hạng mục đào hầm xuyên núi được coi là những công trình khó nhằn bậc nhất đối với các nhà thầu xây lắp. Thông thường, những hạng mục hầm xuyên núi khi đó đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm, còn doanh nghiệp xây lắp giao thông trong nước chỉ đóng vai thầu phụ.

Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây mọi chuyện đã khác, hàng chục công trình hầm xuyên núi đã được xây dựng đưa vào vận khai thác đều do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm thi công 100%. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, dù lĩnh vực khoét núi đào hầm hiện đã xuất hiện thêm vài thương hiệu mới nhưng Tập đoàn Đèo Cả vẫn là sự khác biệt lớn so với phần còn lại bởi cách thức triển khai thi công của đơn vị được ví như "Vua đào hầm" ở Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 8/2024, PV Tạp chí Giao thông trở lại công trường thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sau hơn một năm rưỡi kể từ thời điểm công trình khởi công (tháng 1/2023). Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất, cũng là công trình có nhiều hầm xuyên núi nhất trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Dự án này được Ban QLDA2 (chủ đầu tư) trao cho liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đảm nhiệm thi công.

Đặt chân đến thực địa dự án, điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là tiến độ thi công thần tốc của 3 tuyến hầm xuyên núi, nơi ban đầu được xác định là điểm găng tiến độ của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Theo quan sát, tại hai tuyến hầm số 1 và số 2 đã được đục thông, các mũi thi công của nhà thầu đang hoàn thiện phần nền đường trong hầm, vỏ hầm và lắp đặt thiết bị chuyên dụng. Riêng tuyến hầm số 3, các tổ đội khoan, đào, nổ mìn… đang thi công 3 ca 4 kíp suốt ngày đêm để sớm thông hầm.

"Trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được xây dựng 3 tuyến hầm xuyên núi. Trong đó, hầm số 1 dài 610m, hầm số 2 dài 698m và hầm số 3 dài 3.200m. Đối với hầm số 2 đã được đào thông từ đầu tháng 10/2023, vượt tiến độ 5 tháng so với hợp đồng; hầm số 1 được đào thông vào cuối tháng 12/2023, vượt tiến độ 2 tháng so với hợp đồng", ông Bùi Hồng Đăng - Giám đốc Ban Chỉ huy thi công hầm Tập đoàn Đèo Cả nói và cho biết, còn lại tuyến hầm số 3 dài 3.200m là công trình cấp đặc biệt, tính đến cuối tháng 8/2024, ống hầm trái đã đào được 1.500/3.200m, ống hầm phải đào được 1.619/3.200m. "Chúng tôi đặt mục tiêu thông hầm số 3 sớm hơn kế hoạch, dự kiến vào giữa năm 2025", ông Đăng chia sẻ.

Chia nhỏ gương hầm, gia cố ngay khi khai đào

Trực tiếp đi vào tuyến hầm số 3 đang thi công đào hầm, PV Tạp chí Giao thông không khỏi ngạc nhiên khi bên trong công địa mỗi ống hầm (trái, phải) khá chật hẹp nhưng có đến 3 - 4 mũi thi công của Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai. Đây là điều khác biệt dễ thấy nhất so với công tác thi công hầm theo phương pháp NATM do các đơn vị khác đảm nhiệm mà chúng tôi đã từng được chứng kiến.

"Phương pháp thi công này được Tập đoàn Đèo Cả vận dụng, sáng tạo trên nền tảng công nghệ đào hầm NATM của Áo nhằm rút ngắn tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn cho người lao động. Đối với phương pháp NATM thông thường chỉ bố trí được một mũi thi công ở gương hầm, nhưng với phương pháp NATM hệ Đèo Cả thì tăng được ít nhất 2 mũi thi công trở lên vì có nhiều không gian thi công hơn", ông Đăng tiết lộ và giải thích thêm, để làm được điều này, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng giải pháp chia nhỏ gương đào nhằm làm tăng không gian trong thi công hầm. "Khi kết cấu được chia nhỏ, hệ thống an toàn sẽ tăng lên 1 - 2 lần so với thông thường, vì vậy các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thi công thường không gặp phải sự cố trong quá trình thi công", ông Đăng nói.

Tiết lộ thêm "bí kíp" đào hầm thần tốc tại các hầm xuyên núi do Tập đoàn Đèo Cả tổ chức thi công, ông Nguyễn Quang Huy - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đối với phương pháp NATM thông thường, sau khi tiến hành đào hầm (bằng máy đào, búa đục, mũi doa, đầu xén hoặc nổ mìn), nhà thầu tiến hành bốc xúc đất đá, sau đó đánh giá địa chất gương hầm và chỉ tiến hành gia cố ngay với các loại kết cấu địa chất yếu. Tuy nhiên, điểm khác biệt của phương pháp đào hầm NATM hệ Đèo Cả là sau khi đào xong với tất cả loại kết cấu địa chất sẽ đưa về trạng trái cân bằng ngay lập tức bằng giải pháp phun bê tông lớp 1 ngay khi vừa khai đào.

"Phương pháp này phù hợp với hầu hết các công trình ngầm, công trình hầm giao thông cả địa chất tốt và yếu. Do đó, khi áp dụng phương pháp đào hầm NATM hệ Đèo Cả luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công qua các lớp kết cấu địa chất khác nhau và luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình", ông Huy chia sẻ.

Trao đổi với Tạp chí Giao thông, đại diện Ban QLDA2 (chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) cho biết, tiến độ thi công 3 tuyến hầm ở cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang vượt tiến độ so với hợp đồng. "Hầm số 1 và hầm số 2 đã được nhà thầu đào thông vào cuối năm 2023, vượt tiến độ khoảng 3 - 4 tháng, hiện đang được hoàn thiện phần vỏ hầm, nền đường trong hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị…

"Riêng hầm số 3 là công trình cấp đặc biệt dài 3.200m, nhà thầu đang thi công 3 ca 4 kíp suốt ngày đêm, dự kiến sẽ đào thông hầm vào tháng 3/2025, vượt tiến độ so với hợp đồng khoảng 8 tháng. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành toàn bộ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT", đại diện chủ đầu tư chia sẻ.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88 km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Điểm đầu tuyến kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720, thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629 (thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự án đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) và thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).