Bộ GTVT kiểm tra hiện tượng lún hằn vệt bánh xe QL1A Đồng Nai - Phan Thiết |
Ngày 17/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục một số vị trí mặt đường bê tông bị hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) trên QL1A đoạn BOT từ Đồng Nai – Phan Thiết.
Theo ghi nhận của PV Tap chí GTVT trưa ngày 17/5 trên tuyến QL1 từ Thị xã Long Khánh đến Phan Thiết, các vị trí hư hỏng qua các xã Xuân Hiệp, Xuân Tâm, Xuân Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã được cào phẳng để đảm bảo ATGT. Có khá nhiều nhân lực, máy móc được huy động để tiến hành cào bóc, thảm nhựa tại một số vị trí xảy ra HLVBX. Ông Trần Xuân Bình, phó giám đốc Chi nhánh BOT 319 Sông Phan-Tổng công ty 319 cho biết: Hiện tại chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục các vị trí hằn lún trên tuyến QL1 theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT.
Theo báo cáo của Chi cục QLĐB IV.2 (Cục QLĐB IV) đoạn tuyến QL1 Phan Thiết - Đồng Nai tính đến ngày 12/5 đoạn qua Đồng Nai xuất hiện 8 vị trí lún, trồi nhựa ≥ 2,5cm cần xử lý để đảm bảo ATGT. Ông Lê Huy Triển, chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 cho biết: “Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện một số đoạn trên QL1A xuất hiện tình trạng hằn lún trồi nhựa, chi cục đã có văn bản gửi chủ đầu tư tìm phương án khắc phục. Đến nay các đơn vị thi công đã cào bóc thảm nhựa lại được hơn 1.100m2, cào phẳng được hơn 1km và tiếp tục theo dõi để khắc phục triệt để”.
Tổng công ty 319 (Bộ quốc phòng) đơn vị quản lý, khai thác dự án cho biết, tổng chiều dài hằn lún có chiều sâu ≥ 2,5cm là 4.222km/114km chiếm 4% diện tích. Hiện tại nhà đầu tư đã cào bóc rải lớp BTNC 12,5 được 0,89km (gói thầu 1) và 0,46km làn xe cơ giới (chiều rộng 3,5m). 2,9km còn lại đang khẩn trương triển khai khắc phục.
Theo đánh giá của chủ đầu tư, nguyên nhân sơ bộ của hiện tượng HLVBX có thể: do ảnh hưởng của nhiệt độ cao (có lúc mặt đường lên đến 70oC), do gia tăng lượng xe quá tải, do đường nâng cấp nhưng không mở rộng, chỉ có hai làn xe do đó các phương tiện chỉ đi cố định một vệt dẫn đến gia tăng tải trọng trùng phục. Tiếp đến là các vị trí HLVBX chủ yếu phân bố tại các nơi xung yếu như nút giao, đường cong siêu cao lớn, độ dốc dọc lớn, nơi xe đi chậm dừng đỗ kéo dài.
Biện pháp khắc phục theo Tổng công ty 319 cho biết đã cho kẻ lại vạch sơn số 27 (vạch màu vàng gồm hai đường kẻ liền ở tim đường biểu thị nghiêm cấm xe vượt xe hoặc chạy đè lên vạch) bằng vạch sơn số 1 (Đây là vạch đứt khúc màu vàng vẽ ở tim đường để phân cách 2 luồng xe ngược chiều, lái xe phải đi về phía bên phải theo chiều đi của mình, có thể đè lên vạch khi vượt xe khác hoặc khi rẽ trái) để phân tải xe chạy đều trên cả mặt đường.
Tiếp theo là cào bóc lớp mặt và rải lại từ 6-7 cm bằng các loại vật liệu như BTNC19, BTNP 12,5. Tổ chức cào tạo phẳng các vị trí có khả năng ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến chiều sâu hằn lún.
Qua kiểm tra hiện trường, đoàn công tác Bộ GTVT nhận định, HLVBX đang là nội dung nổi cộm trong thời gian gần đây, đã có nhiều hội thảo khoa học, nhiều giải pháp đưa ra. Riêng với QL1A đoạn Đồng Nai – Phan Thiết từ khi đưa vào sử dụng có diễn biến cục bộ biến dạng mặt đường, có đoạn diễn tiến nhanh. Có thể thấy hệ thống theo dõi của nhà đầu tư chưa được sát sao, giải pháp khắc phục còn chậm, thiếu chủ động.
Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư cần thành lập bộ phận chỉ đạo tìm ra nguyên nhân chính xác và khắc phục triệt để trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT. Sau khi xác định rõ được nguyên nhân thì xử lý ngay và kiểm soát vật liệu đầu vào tuyệt đối. Các phương án thi công phải đảm bảo ATGT và phải được các cơ quan như Cục QLXD& CLCTGT, Tổng cục đường bộ, Cục QLĐB IV, Ban QLDA1 giám sát thường xuyên vào báo cáo định kỳ. Với các điểm đen TNGT ở ngã ba Hàm Minh, cầu Ông Hạnh (Bình Thuận) Tổng cục ĐBVV chủ trì để khảo sát, đánh giá, đề xuất phương án khả thi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.