An toàn ở mức nhất định
Ngày 20/11 vừa qua, cộng đồng bàng hoàng trước vụ tai nạn thảm khốc ngay tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (TP. Hà Nội) khi chiếc Mercedes GLC 250 “mới coong” được trang bị hệ thống AEB vẫn gây tai nạn liên hoàn khiến một người phụ nữ tử vong tại chỗ. Nguyên nhân theo lời khai của nữ tài xế là do đạp nhầm chân ga khi dừng đèn đỏ.
Việc đâm liên tiếp 3 phương tiện đã cho thấy hệ thống này không hề hoạt động. Sau vụ tai nạn, nhiều tài xế có phương tiện được trang bị AEB chia sẻ rằng, do điều kiện đường sá đô thị quá phức tạp nên nhiều khi phải tắt hệ thống này mới có thể di chuyển được.
Thực tế tại Việt Nam, với mật độ phương tiện quá lớn và chủ yếu là các phương tiện cỡ nhỏ như xe máy, xe đạp điện… đi kèm với diễn biến giao thông vô cùng phức tạp tại đô thị thì công nghệ này gần như không thể sử dụng bởi “chướng ngại vật” xuất hiện quá nhiều và bất ngờ. Đặc biệt khi vào giờ cao điểm, khoảng cách an toàn phương tiện hầu hết là không đảm bảo.
Theo khuyến cáo của hầu hết các nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ này, việc hệ thống phanh tự động được trang bị trên các mẫu xe thương mại phổ thông đã vượt qua các vòng thẩm định khắt khe và có hiệu quả thực sự. Chính vì vậy, việc sử dụng tính năng an toàn được trang bị theo xe là rất cần thiết.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, đây chỉ là một công cụ hỗ trợ chứ không thể mang tính quyết định cho an toàn. Kỹ năng làm chủ phương tiện, sử dụng thành thạo các tính năng đi kèm ý thức, thái độ tập trung khi lái xe, tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc an toàn của người cầm lái vẫn là yếu tố tuyệt đối để đảm bảo an toàn.
Xu hướng phát triển công nghệ ATGT
Trong bối cảnh công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, nền công nghiệp ô tô cũng đang chứng kiến một cuộc chạy đua công nghệ giữa các nhà sản xuất, trong đó phải kể đến công nghệ phanh tự động đang hiện hữu trên một số mẫu xe hơi cao cấp.
Công nghệ này thường có những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất. Đây được xem là một bước tiến vĩ đại trong công nghệ đảm bảo ATGT, giúp ô tô có thể nhận diện các mối nguy hại để hỗ trợ người lái giảm thiểu khả năng xảy ra TNGT.
Trên nguyên tắc hoạt động, khi phát hiện các mối đe dọa đến an toàn, AEB sẽ tự động kích hoạt phanh mà không phụ thuộc vào người lái nhằm giảm thiểu hậu quả khi người lái thiếu tập trung khi điều khiển phương tiện. Cùng với đó, hệ thống này cũng có khả năng đưa ra cảnh báo cho tài xế bằng âm thanh, hình ảnh, tác động rung trên vô lăng…
Hệ thống này thường có thiết kế nhận diện nguy cơ va chạm bằng các loại cảm biến như radar, laser hoặc camera và chỉ áp dụng được ở một mức tốc độ cơ bản cũng như điều kiện môi trường tốt. Chính vì vậy, khả năng nhận diện chỉ đạt được hiệu quả nhất định chứ không thể đáp ứng chính xác trong những điều kiện như chạy xe quá nhanh, đường thiếu ánh sáng, thời tiết xấu… Mặt khác, người lái cũng phải tập luyện để làm quen với hệ thống nhằm tạo sự tương thích giữa thói quen lái xe và cảm biến tự động.
Hiện nay, một số mẫu xe cao cấp của những thương hiệu nổi tiếng đã áp dụng công nghệ này và đã minh chứng hiệu quả ở mức nhất định. Tuy nhiên, AEB thực chất mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần cho người lái trong trường hợp khẩn cấp. Giới chuyên gia vẫn khẳng định rằng, công nghệ hiện nay chưa thực sự thông minh hơn con người nên kỹ năng và thái độ lái xe của con người vẫn quyết định tất cả.
Xu hướng mới của hệ thống phanh hiện đại cũng đang được “tăng tốc” phát triển. Thậm chí, công nghệ này còn đang có chiều hướng được tiêu chuẩn hóa nhằm trở thành quy định bắt buộc áp dụng trên ô tô trong những năm tới, với sự hưởng ứng của hàng chục quốc gia trên thế giới
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.