Ảnh minh họa |
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) được xem là giải pháp tài chính cần thiết bổ sung cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Hình thức này cho phép kết nối trực tuyến những nhà đầu tư (NĐT) với người vay vốn, mà không cần qua trụ sở tài chính thông thường. Thay vì hàng loạt thủ tục giấy tờ rườm rà, toàn bộ giao dịch và điều khoản thỏa thuận đều được công bố minh bạch, thao tác ký số nhanh chóng trên nền tảng P2P Lending. Các hoạt động trung gian được vận hành và quản lý bởi một công ty tài chính.
P2P Lending hấp dẫn nhiều NĐT nhờ đặc tính dễ dàng, chỉ yêu cầu số vốn tối thiểu thông thường từ 10 triệu đồng, lãi suất linh hoạt tuỳ kỳ hạn và có thể lên đến 15- 20%/năm. NĐT có quyền lựa chọn bên vay theo khẩu vị đầu tư và khả năng đánh giá rủi ro của mỗi cá nhân dựa trên những tiêu chí và đánh giá chấm điểm tín dụng của đơn vị P2P Lending cung cấp.
Đối với bên vay vốn, P2P Lending đáp ứng số vốn nhanh chóng lên đến 1 tỷ đồng mà không yêu cầu thế chấp tài sản. Thủ tục hồ sơ vay vốn đơn giản hơn và thời gian giải ngân nhanh nhưng mỗi đơn vị P2P Lending cũng yêu cầu bên đi vay phải cung cấp những hồ sơ nhất định để có đủ điều kiện tham gia.
“Hàng rào an toàn” của doanh nghiệp P2P Lending
Bên cạnh các điểm thuận lợi, giống như hầu hết các hình thức đầu tư/ cho vay khác, cho vay ngang hàng cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Do đó, tại các quốc gia nơi P2P Lending đã phát triển mạnh mẽ như Anh, Mỹ, Trung Quốc…, nhiều biện pháp, chính sách đã được ban hành nhằm hạn chế rủi ro của mô hình này. Chẳng hạn, tại Anh quốc, Cơ quan kiểm soát tài chính (FCA) đã ban hành luật để bảo vệ các NĐT bằng việc đặt ra hạn mức 10% tài sản để đầu tư cho vay ngang hàng nếu chưa được tư vấn đầy đủ. Các công ty P2P Lending cũng được yêu cầu trình bày rõ cách thức quản trị, tập trung đặc biệt vào việc đánh giá rủi ro tín dụng, quản lý rủi ro và phương pháp định giá…
Còn tại Việt Nam, theo chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, những rủi ro như bên vay mất khả năng thanh toán có thể được giảm thiểu xuống mức thấp nhờ những quy định nội bộ vể quản lý rủi ro của các đơn vị P2P Lending, cũng như việc thẩm định khả năng trả nợ cùng các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi vốn của những đơn vị này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở nước ta hiện có khoảng 50 công ty P2P Lending đang hoạt động được xem là đáng tin cậy dựa trên hệ thống quản trị rủi ro xây dựng chặt chẽ.
Trong khi chờ đợi hành lang pháp lý chính thức, các công ty này đã tự xây dựng hệ thống quy tắc để đảm bảo hoạt động P2P Lending đi đúng hướng, đơn cử như công ty VFL (Vietnam Financial Linkage) với sàn giao dịch VNVON. Mô hình kinh doanh của VFL là kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp vay vốn, cung cấp cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư, đồng thời cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ kinh doanh.
Quản trị nội bộ chặt chẽ
Với chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, VFL đảm bảo sự an toàn vốn cho NĐT. Theo đó, điều kiện đối với doanh nghiệp vay vốn là phải có đăng ký và hoạt động tại Việt Nam, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng/ tài chính, hoạt động kinh doanh ổn định và có phương án kinh doanh cụ thể và đề xuất huy động vốn rõ ràng.
Quy trình thẩm định không chỉ dựa vào các yếu tố tài chính, VFL còn chấm điểm tín dụng trên cả tiêu chí phi tài chính. Các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam được chấm với mức độ rủi ro từ 1 - 5, trong đó 1 là mức độ rủi ro thấp nhất. Tùy theo mức độ rủi ro theo ngành nghề, VFL xác định số tiền cho vay tối đa cho một doanh nghiệp thuộc một ngành nghề nhất định, thời gian cho vay tối đa và tỷ lệ dư nợ cho một ngành nghề trên tổng dư nợ tại VFL.
Đối với xếp hạng tín dụng, VFL sử dụng hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ để chấm điểm tín dụng cho mỗi doanh nghiệp với mức xếp hạng AA (rất tốt), A (tốt), BB (trung bình), B (thấp), và BB (không nên cho vay). Dựa theo những tiêu chí trên cùng chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, VFL hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm an toàn vốn cho nhà đầu tư và đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận tối đa.
Nhờ đó, các sản phẩm của đơn vị này luôn nhận được sự tín nhiệm của nhiều NĐT. Tiêu biểu như 2 sản phẩm gần đây, gồm: Gói đầu tư hợp lực, và Ủy thác quản lý tài khoản đầu tư cho phép NĐT không phải lựa chọn người cho vay, mà có thể ủy thác cho VFL để cho vay những doanh nghiệp có tình hình tài chính ổn định và khả năng trả nợ cao. Đáng chú ý những sản phẩm tài chính này cũng được đánh giá cao về sự an toàn thông qua việc đảm bảo về lãi suất và cam kết bảo toàn vốn 100% cho NĐT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.