Hệ thống xả trên xe ô tô sẽ bao gồm các bộ phận: cụm ống dẫn khí thải, ống dẫn thoát khí thải, cảm biến o-xy, bộ chuyển đổi xúc tác và bộ phận giảm thanh. Theo các chuyên gia kinh nghiệm về chăm sóc bảo dưỡng xe hơi, hiện tượng hệ thống xả thải bị tắc xuất phát chủ yếu từ bộ chuyển đổi xúc tác, cụm ống dẫn khí thải.
Trong đó, bộ chuyển đổi xúc tác có nhiệm vụ giúp giảm lượng khí độc hại thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, bộ chuyển đổi này lại trở thành "thủ phạm" làm tắc đường ống xả đến tình trạng khí thải ùn ứ trong ống dẫn, động cơ "ngốn" nhiều năng lượng để đẩy chúng ra ngoài. Thậm chí, áp suất xả lớn sẽ làm giảm lượng khí nạp gây tổn hao công suất. Mặt khác, khi đường khí xả thải bị tắc thì khí thải từ động cơ không thể thoát ra ngoài. Do đó, sẽ xuất hiện dòng lực ngược sinh ra trên đường khí thải dội ngược trở lại buồng cháy khiến động cơ bị mất công suất, đồng thời gây tác động xấu đến động cơ ô tô.
Nếu bộ chuyển đổi xúc tác quá nhiệt có thể bị nóng chảy ở bên trong và sẽ làm giảm khả năng lưu thông của khí thải qua bộ xúc tác. Vậy để biết chính xác hệ thống xả trên xe ô tô có bị tắc do bộ xúc tác hay không, bạn có thể tháo đoạn đầu ống xả. Trường hợp động cơ làm việc tốt, điều đó có nghĩa là bộ xúc tác khí xả chính là nguyên nhân làm tắc đường khí thải.
Tác nhân làm tắc hệ thống xả thải thứ hai là do cụm dẫn ống khí thải: móp méo do xảy ra va đập (lái xe có thể kiểm tra bằng mắt thường) hoặc có thể bị tắc do chất bẩn rơi vào (trường hợp này hiếm có thể xảy ra do ống xả luôn có khí đẩy ra ngoài).
Trường hợp dòng khí thải bị tắc hoàn toàn thì động cơ ô tô chỉ khởi động được và sau đó bị chết máy ngay.
Các lái xe kinh nghiệm về sử dụng ô tô cho biết cách đơn giản nhất để kiểm tra hệ thống xả có bị tắc hay không là sử dụng dụng cụ đo chân không nối vào lỗ chân không trên đường nạp hay trên bướm ga. Quan sát dụng cụ đo, nếu kết quả cho thấy độ chân không thấp và giảm dần khi động cơ hoạt động thì chắc chắc là hệ thống ống xả đã bị tắc.
Tuy nhiên, khi động cơ bị nổ ngược hay hở xu-pap cũng là nguyên nhân khiến động cơ không tăng tốc dù vẫn làm việc tốt ở chế độ tải trọng nhỏ cùng tốc độ thấp. Do vậy, nếu xế cưng của bạn gặp phải các vấn đề nêu trên thì bạn cần tham khảo những người thợ kinh nghiệm hoặc đưa xe đến các gara uy tín để có đánh giá chính xác nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.