Hết chia sẻ ôtô, xe đạp, Trung Quốc chia sẻ nhân viên

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 03/03/2020 17:26

Trong bối cảnh dịch virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát, các công ty ở Trung Quốc đã sáng tạo ra cách phân bổ tối ưu nguồn nhân lực: Chia sẻ nhân viên.

quangdong.
Sau chia sẻ xe đạp và ôtô, giờ đây Trung Quốc còn xuất hiện chia sẻ nhân viên vì Covid-19.

Theo Sixth Tone, một số công ty ở Trung Quốc đang tạm thời tuyển dụng nhân viên từ các doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại, hoặc chỉ hoạt động một phần vì lo ngại về virus corona.

Các "nhân viên chia sẻ" này đang được nhiều siêu thị, cửa hàng và nhà máy của các nền tảng thương mại điện tử thuê lại. Cách làm này sẽ giảm bớt áp lực cho lực lượng lao động và đưa những công nhân bị nghỉ phép không lương đến nơi cần họ.

Đầu tháng 2, chuỗi siêu thị Hema Xiansheng thuộc tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thuê lại các nhân viên từ những nhà hàng chưa hoạt động trở lại. Sau đó, nhà bán lẻ nội địa Suning và chuỗi siêu thị Pháp Carrefour cũng làm theo.

Kể từ cuối tháng 1, các nhà hàng ở Trung Quốc lao đao vì thực khách tránh chỗ đông người do lo ngại về virus corona. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu mua hàng trực tuyến và nhân viên giao hàng.

Theo National Business Daily, hơn 3.000 nhân viên mới gia nhập Hema kể từ ngày 19/2 và 4.000 nhân viên đăng ký kế hoạch chia sẻ nhân viên của Suning kể từ 21/2.

Chuỗi siêu thị Mỹ Walmart cũng theo xu hướng này với hơn 3.000 người lao động tạm thời trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở các chi nhánh tại Thâm Quyến, Phúc Châu, Bắc Kinh.

Trong khi đó, công ty chia sẻ xe đạp Hellobike đã mở 8.000 điểm bảo dưỡng xe đạp trên toàn quốc, theo Tân Hoa Xã.

Tại Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy (Trung Quốc), Hellobike đang tìm kiếm 300 công nhân tạm thời, trong khi 40 nhân viên của một khách sạn địa phương cũng bắt đầu làm việc tại khu công nghiệp theo hợp đồng 1 tháng.

"Chương trình chia sẻ nhân viên có thể phân bổ hiệu quả chi phí lao động và gánh nặng hoạt động của các công ty. Việc này cũng giúp đảm bảo thu nhập cho người lao động, giải quyến vấn đề thiếu hụt lao động tạm thời và đang được ngày càng nhiều công ty công nhận", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Cao Jing, Giám đốc Quản lý Nhân sự và Việc làm của Hefei.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro pháp lý gắn với hình thức tuyển dụng này.

Theo luật sư Yao Junchang của công ty luật Weiheng Bắc Kinh, các công ty nên bổ sung những điều khoản chi tiết trong thỏa thuận bao gồm thời gian làm việc và chính sách bồi thường thương tích liên quan đến công việc.

"Người lao động nên chú ý đến các biện pháp phòng ngừa an toàn và yêu cầu thỏa thuận ba bên hoặc thỏa thuận lao động phải được ký kết trong thời gian làm việc tạm thời", ông nói thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận