Hiến kế giải bài toán ách tắc sân bay Tân Sơn Nhất

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
30/11/2017 11:23

Ba giải pháp cấp thiết cho Tân Sơn Nhất là "mượn đất quốc phòng gần sân bay", "đất Quân khu 7", và "đường sắt hiện hữu"

24209674_1132131640251901_1264703431_o
Những tuyến đường xung qunah Tân Sơn Nhất luôn ùn tắc nghiêm trọng

Vấn đề mở rộng sân bay, bãi đỗ và cải tạo hệ thống giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã được bàn cãi nhiều, đã có nhiều phương án kỹ thuật được thực hiện. Tuy nhiên vấn đề giao thông khu vực này không chỉ là do lưu lượng vận tải ra vào sân bay mà còn liên quan đến lưu lượng giao thông rất lớn xuyên qua khu vực sân bay. Trong khi chờ đợi xây dựng sân bay Long Thành và các trục đường trên cao, đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh (theo Quyết định 101/QĐ-TTg [1]), rất cần có những giải pháp cấp thời, ít tốn kém và hiệu quả cao để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này. Đó là các giải pháp sử dụng đất quốc phòng để mở tuyến thông đường và phối hợp với ngành Đường sắt triển khai sớm đường bộ trong hành lang tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu – Hòa Hưng nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông xuyên qua khu vực TSN.

Một số quan điểm của giải pháp

Các giải pháp có tính cấp thời này được đề xuất trên cơ sở một số quan điểm và nguyên tắc sau:

  1. Phát triển đô thị về cơ bản là một quá trình liên tục theo quy hoạch và kế hoạch để bảo đảm tính đồng bộ theo không gian và thời gian. Tuy nhiên trong quá trình cũng cần những điều chỉnh linh hoạt về tiến độ xây dựng, trong đó có việc phải tạm dừng phát triển một số khu vực nhất định.
  2. Sự nghiệp Quốc phòng toàn dân là sự nghiệp chung và hàng đầu của mọi người, của quân sự và dân sự. Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước luôn có mối quan hệ qua lại rất mật thiết giữa dân sự và quân sự, giữa dân và quân. Kinh tế phát triển và an dân là cơ sở hàng đầu để đảm bảo an ninh quốc phòng.
  3. Quy hoạch và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất của an ninh quốc phòng phải được ưu tiên, tuy nhiên hoàn toàn có thể linh hoạt ứng phó tình huống cụ thể nhằm giải quyết hài hòa khả năng đáp ứng nhu cầu quốc phòng và nhu cầu kinh tế - xã hội.
  4. Hệ thống GTVT là bộ xương của đô thị, cần được ưu tiên phát triển. Giao thông đường sắt cũng là một thành phần trong hệ thống GTVT, cùng tham gia giải quyết vấn đề GTVT của Thành phố. Ưu tiên về giao thông trước hết là ưu tiên về đất đai, bao gồm đất làm các công trình giao thông và đất phục vụ tái định cư để có mặt bằng xây dựng giao thông.
  5. Tuy các giải pháp có tính cấp thời trong thời gian từ 5 đến 10 năm, nhưng cần tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội đầy đủ. Nếu có điều kiện nên chuyển thành các giải pháp ổn định lâu dài. Sau khi có sân bay Long Thành cũng như hoàn chỉnh hệ thống GTVT theo quy hoạch, Thành phố sẽ trả đất lại cho quốc phòng và ngành đường sắt theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên ngay từ đầu cũng có thể đổi đất ở vị trí khác theo yêu cầu của an ninh quốc phòng.

Các giải pháp đề xuất

Giải pháp A – Mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam Sân bay. 

Việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa rất cấp thiết không chỉ để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa Thành phố với khu vực Tây Bắc và nối qua Campuchia. Đường này bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, theo đường Phan Thúc Duyên đi tiếp sát tường rào sân bay và nối vào đường Trường Chinh, lộ giới đảm bảo 6 làn xe (khoảng 25 ÷ 30m). Rẻo đất ngoài tường rào dọc đường Trường Chinh ở đầu sân bay đã được Bộ Quốc phòng giao cho Thành phố. Có khả năng phải giải tỏa một số hộ dân ở khu vực đất quốc phòng đã dân sự hóa sát tường rào, hoặc có thể phải lấn một phần vào đất sân bay (nếu về kỹ thuật cho phép).

Nếu được Bộ Quốc phòng đồng ý hoán đổi đất trên toàn tuyến thì đây trở thành giải pháp ổn định lâu dài; đây sẽ là tuyến đường có hiệu quả rất cao đối với sự phát triển của ngành hàng không, của Thành phố cũng như an ninh quốc phòng. Các bên được hưởng lợi từ dự án này sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính cho dự án.

Giải pháp B – Mượn đường qua doanh trại Quân khu 7. Đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7 nối vào Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Khơi được luồng tuyến này chắc chắn giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn. 

Suốt dải đất nằm giữa đường Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng và đường Nguyễn Văn Trỗi, từ Gò Vấp đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ngoài đường Trường Sơn chỉ còn có các đường ngang nhỏ là Phổ Quang, Hồ Văn Huê, Trần Huy Liệu, Trần Quang Diệu và Trường Sa. Trong khi áp lực giao thông theo phương Đông Bắc – Tây Nam ở khu vực này của Thành phố rất lớn. Thiếu đường ngang sẽ làm tăng áp lực giao thông trên các trục dọc, gây ùn tắc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm. Về lâu dài, nếu mở được tuyến qua doanh trại Quân khu 7 này và nối khác mức vào đường Phạm Văn Hai có thể giảm được nhu cầu phải xây tuyến gấp đường trên cao số 1, đoạn qua đường Bùi Thị Xuân tại nút giao Lăng Cha Cả.

Giải pháp C – Mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng. Nói là “mượn” nhưng thực chất là kiến nghị tạm ngưng khai thác đường sắt và triển khai sớm đường bộ trên mặt đất của tuyến đường sắt trên cao này. Nếu mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30m đi từ quảng trường Dân Chủ qua ga Hòa Hưng nối đến đường Phạm Văn Đồng thì sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của Thành phố và ngành Đường sắt.

Đối với Thành phố, đây là tuyến giao thông lớn chia sẻ gánh nặng cho đường  Trường Sơn khi nó lãnh một phần đáng kể lưu lượng giao thông đi từ khu vực Gò Vấp, Thủ Đức về các quận trung tâm Thành phố. Nó thay giao cắt giữa đường sắt hiện hữu với các đường giao thông nội thị bằng các giao lộ đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn. Nó còn tạo điều kiện cải tạo đô thị dọc tuyến đường sắt hiện hữu. Khó khăn lớn là phải giải phóng mặt bằng theo đúng lộ giới. Thành phố cần tận dụng mọi nguồn đất công để hỗ trợ đền bù giải tỏa tuyến đường xung yếu này. Tổ chức tốt việc tái định cư sẽ giảm được chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Đối với ngành đường sắt, tuy phải tạm ngưng khai thác đoạn tuyến này nhưng việc mở trước đường bộ trên mặt đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đường sắt trên cao. Đồng thời cũng có điều kiện để Nhà nước sớm đầu tư ga đầu mối Bình Triệu. Quy hoạch ga Bình Triệu 41ha đã “treo” 25 năm nay, gây nhiều bức xúc cho nhân dân có nhà đất trong khu vực. Nếu kinh phí giải phóng mặt bằng do Thành phố đảm nhiệm để mở đường dưới đất thì cũng đã hỗ trợ cho Ngành về kinh phí rất đáng kể.

Mấu chốt của việc mở đường và chỉnh trang đô thị dọc tuyến này là chính sách tài chính đất đai. Vấn đề này cũng đã được thảo luận nhiều, ở đây xin nhắc lại để thấy tính khả thi cao của giải pháp này. Khi lập dự án cần xác định một biên chỉnh trang ngoài lộ giới ≥20 m. 

Chủ đầu tư có thể mua nhà đất trong biên chỉnh trang theo giá thị trường, tính kinh phí xây dựng đường mà mỗi m2 đất phải chịu, dự kiến giá đất sau khi hoàn thành Dự án (trường hợp b). Chủ đất có thể lựa chọn, hoặc bán đứt đất cho Dự án, hoặc tham gia đóng góp kinh phí dự án và cùng hưởng lợi sau khi Dự án hoàn thành.

 Những khó khăn và hy vọng

Các giải pháp này đều là những giải pháp “một mũi tên trúng nhiều mục đích”, tuy nhiên đây mới chỉ là ý tưởng, cần có nghiên cứu cụ thể hơn; mặc dù vậy sơ bộ vẫn có thể thấy đây là các giải pháp ít tốn kém nhưng sẽ có hiệu quả rất cao.

Khó khăn lớn nhất là các giải pháp trên đây không nằm trong tầm tay của Thành phố. Nếu không được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và Quân khu 7 đồng tình ủng hộ thì không có hy vọng thực hiện.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận