Tân Sơn Nhất cần những giải pháp “tiếp cận” hiệu quả

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 05/11/2017 06:48

Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường xung quanh khu vực sân bay và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh mặc dù Thành phố đã ưu tiên 5 dự án công trình giao thông cấp bách và huy động lực lượng để triển khai xây dựng. Ngoài ra, còn 6 dự án khác đang chuẩn bị triển khai và 3 dự án của các nhà đầu tư đang đề xuất.

 

1
Cầu vượt đường Trường Sơn giải tỏa ùn tắc

Nhiều giải pháp giảm ùn tắc cho cửa ngõ sân bay

Tình trạng UTGT tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang là vấn đề "nóng" và nhức nhối. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra và kéo dài thường xuyên thì sẽ kìm hãm sự phát triển của Thành phố và gây thiệt hại cho nhiều người dân và doanh nghiệp. Thực tế, những tuyến đường xung quanh sân bay như Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn, Hồng Hà, Phạm Văn Đồng... đều xảy ra ùn ứ nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Việc ùn tắc này xảy ra thường xuyên mỗi ngày. Ngoài giờ cao điểm, nếu xảy ra một vụ va chạm giao thông thì tuyến đường nhanh chóng ùn ứ và sẽ “lây lan” nhanh qua các tuyến đường lân cận. Tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất là giao thông dành cho việc tiếp cận tới Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất còn thiếu, hiện chỉ có một đường vào, ra chính từ đường Trường Sơn. Tuyến này thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm, đặc biệt vào mùa mưa. Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn là vòng xoay công viên Hoàng Văn Thụ đang tồn tại rất nhiều giao cắt, gồm nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, nút giao Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa sát vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Nguyễn Văn Trỗi và nút giao Phan Đình Giót - Phan Thúc Duyện.

Phần lớn hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố trên tuyến đường Trường Sơn phải di chuyển qua 5 giao cắt liên tiếp trên đoạn đường hơn 02km này. Giao cắt liên tục là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thời gian di chuyển, trong đó ùn tắc nghiêm trọng xảy ra tại 3 nút giao: Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Nguyễn Văn Trỗi.

Ngoài ra, giao cắt cùng mức của 3 trục đường Trường Sơn - Bạch Đằng - Hồng Hà cũng ảnh hưởng lớn đến ùn tắc. Đây là 3 trục đường cùng dẫn tới sân bay nên có lưu lượng giao thông rất lớn. Do đó, bất kỳ sự cố nào dù nhỏ xảy ra trên các trục đường này cũng có thể dẫn đến ùn tắc cục bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ khu vực xung quanh sân bay.

Trước tình trạng cấp bách đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các dự án giao thông quan trọng nhằm giải quyết vấn đề trên. Trong đó, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, quận Tân Bình đã được UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai khẩn trương bằng cơ chế đặc thù và hoàn thành vào đầu tháng 7/2017. Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức giao thông để các phương tiện thuận tiện di chuyển vào sân bay. Có thể nói dự án đã giải quyết đến 60% tình trạng ùn tắc ngay trước cửa ngõ ra vào sân bay và tách biệt dòng xe quá cảnh tại khu vực này.

Cần có những tuyến đường trên cao trong tương lai

Theo TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, trong thời gian tới lưu lượng xe ở những tuyến đường này tiếp tục gia tăng với tốc độ bằng tốc độ tăng kinh tế (khoảng 8%/năm). Sau khoảng 02 - 3 năm thì lưu lượng xe sẽ tăng lên khoảng 20 - 30%. Hiện nay, dòng xe đã đạt đến ngưỡng bão hòa và vượt mức bão hòa, trong các năm tới sẽ càng tăng kể cả khi chúng ta có giải pháp nâng cấp, mở rộng các đường hiện nay, cải thiện tổ chức giao thông, đèn tín hiệu thì cũng chỉ góp phần giảm thiểu ùn tắc. Với tính chất là sân bay nằm trong trung tâm Thành phố nên mức độ ùn tắc sẽ tiếp tục gia tăng rất nhanh. Cho nên đối với TP. Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu cách tiếp cận vào sân bay Tân Sơn Nhất cần phải được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Các dự án cần đặt tiêu chí giảm thiểu UTGT trên đường, tách dòng giao thông đi ra và đi vào sân bay với dòng giao thông quá cảnh, đồng thời nâng cao tính tiếp cận với sân bay.

Điều quan trọng là các dự án cần nâng cao tính tin cậy giữa hành khách với sân bay để người dân có thể chủ động dự tính được thời gian di chuyển ra sân bay trong khoảng thời gian bao lâu. Còn nếu như việc di chuyển trên đường với nhiều phương tiện qua nhiều nút giao cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao như hiện nay thì UTGT là điều khó tránh khỏi.

Mới đây, Liên danh Tổng công ty 319, Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á và các đối tác đã đề xuất đầu tư tuyến đường trên cao theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) nhằm hình thành hướng ra mới cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời loại bỏ phần lớn các giao cắt xung quanh vòng xoay công viên Hoàng Văn Thụ. 

Tuyến đường trên cao sẽ xuất phát từ Nhà ga quốc tế T2, đi trước mặt Nhà ga quốc nội T1, ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Thăng Long, sau đó tiếp tục đi trên cao theo đường Phan Thúc Duyện, vượt qua công viên Hoàng Văn Thụ, tiếp đất theo hai nhánh Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ để vào trung tâm Thành phố.

Hướng tuyến này được các đơn vị liên quan đến quản lý hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất đánh giá là hướng tuyến tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để giải quyết ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Để giảm tải cho nút giao Lăng Cha Cả, hệ thống đường trên cao sẽ bố trí các nhánh lên từ đường Trường Sơn và đường Phan Thúc Duyện, góp phần giảm bớt lưu lượng trên hai tuyến đường này, đồng thời tăng tính tiếp cận từ hệ thống giao thông đi trên mặt đất tới hệ thống đi trên cao, đảm bảo giao thông được liên hoàn và thông suốt.

Tuyến đường trên cao có thể kết nối thuận lợi với tuyến đường trên cao số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm mà Thành phố đang có chủ trương xây dựng, đồng thời kết nối linh hoạt với nhà ga T3 sẽ được xây dựng trong tương lai gần.

Được biết, đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống đường trên cao sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc và cải thiện hệ thống giao thông tiếp cận, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Đặc biệt, tuyến đường này sẽ kết nối vào tuyến đường trên cao mà TP. Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề xuất dự án từ Công ty CII. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút đầu tư và du lịch, đóng góp hơn nữa vào vai trò của ngành Hàng không trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và của cả đất nước

Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hiện nay ngoài việc xây dựng cầu vượt thì địa phương đang thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường xung quanh. Cụ thể, dự án cải tạo đường Hoàng Minh Giám với tổng mức đầu tư 166,229 tỷ đồng, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (254,745 tỷ đồng), dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (141,867 tỷ đồng). Ngoài ra, có 5 dự án khác đang trong quá trình triển khai nghiên cứu như: Mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ; dự án mở rộng nâng cấp đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Tân Sơn, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, đặc biệt là hai tuyến metro số 5 và số 4b-1.

Ý kiến của bạn

Bình luận