Quang cảnh hội nghị tại Hà Nội |
Thí điểm vận hành thị trường vận tải biển thống nhất khu vực
Tại hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến này, có 11 chương trình nghị sự được bàn thảo trong các phiên họp toàn thể với nhiều nội dung quan trọng.
Trong số này, đáng chú ý là việc triển khai các biện pháp liên quan đến vận tải hàng hải theo Kế hoạch chiến lược vận tải Kuala Lumpur (KLTSP). Theo đó, các nước thuộc dự án cung cấp thông tin cập nhật về việc thực hiện các biện pháp/hành động chiến lược như: Hiện thực hoá Thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN (ASSM) thông qua việc thực hiện các chiến lược và biện pháp đã được thống nhất; Hiện thực hoá hoạt động của mạng lưới vận chuyển RO-RO ở ASEAN; Xây dựng các chính sách, sáng kiến và khuyến nghị cần thiết để phát triển logistics chiến lược giữa ASEAN và các đối tác đối thoại; Tăng cường hợp tác khu vực trong việc cải thiện an toàn giao thông…
Trong phiên họp toàn thể ngày 9/3, cơ quan chức năng của Hàn Quốc đã chia sẻ về kết quả phân tích chi phí – lợi ích nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên báo cáo sơ bộ sau quá trình khảo sát tại 3 cảng mục tiêu là cảng Johor (Malaysia), cảng Davao (Philippines) và cảng Singapore.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 42, nhiệm kỳ 2022-2023 |
Các quốc gia thành viên ASEAN cũng cung cấp thông tin cập nhật liên quan đến cơ chế điều phối quốc gia về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và cảng, cũng như quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển giao thông đường bộ và cảng để hoạt động tốt hơn; cập nhật các kế hoạch phát triển của từng quốc gia về việc nâng cao năng lực của mạng lưới cảng biển khu vực (Việt Nam có các cảng: Sài Gòn, Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng).
Đáng chú ý, liên quan đến các chính sách/kinh nghiệm về cải thiện chất lượng và hiệu quả quản lý an toàn, sức khoẻ và môi trường, Việt Nam đã chia sẻ sáng kiến “Cải thiện công tác quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam” và khả năng hợp tác khu vực trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ về nhựa” của EU. Trong đó, một số đề xuất được đưa ra như: Xem xét áp dụng phương thức thu gián tiếp (qua GT tàu) với giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải từ tàu thuyền – Phương thức CRS; Xây dựng phần mềm áp dụng cho quá trình khai báo, quản lý online đối với quá trình thu gom chất thải từ tàu thuyền; Ban hành Sổ lay quản lý chất thải từ tàu thuyền để các cảng làm căn cứ mẫu áp dụng thống nhất…
Ứng phó đại dịch, tăng cường hợp tác
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Tại Hội nghị nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 42 do Việt Nam đăng cai lần này, các nước thành viên cũng được nghe đại diện Indonesia chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp dự phòng để đảm bảo tính liên tục của hoạt động cảng trong thời kỳ Covid-19.
Liên quan đến cơ chế hợp tác với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân, với các đối tác đối thoại, đại diện các nước đối tác đã khái quát về các chương trình, kế hoạch hợp tác chung cùng những đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả. Đơn cử như: dự án đề xuất “Nghiên cứu Vận tải hàng hải ASEAN – Trung Quốc”; “Đối thoại Vận tải Hàng hải EU – ASEAN”; “Dự thảo Hiệp định Hợp tác Vận tải hàng hải ASEAN - Ấn Độ”…
Trong khi đó, đại diện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) Nhật Bản cũng cập nhật về các dự án và hoạt động vận tải biển sẽ được thực hiện trong Kế hoạch làm việc Đối tác ASEAN – Nhật Bản (AJTP) 2021 – 2022; Đại diện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải (MOLIT) của Hàn Quốc cập nhật tiến độ thực hiện các dự án giao thông hàng hải và các hoạt động trong khuôn khổ Lộ trình hợp tác giao thông ASEAN – Hàn Quốc.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 42, nhiệm kỳ 2022-2023, trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các quốc gia thành viên ASEAN đã kịp thời thích ứng và đối phó với các tình huống bất lợi trong lĩnh vực vận tải biển như tắc nghẽn cảng, sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và các vấn đề thiếu container bằng cách hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện các giải pháp và biện pháp ứng phó liên quan, chẳng hạn như cải thiện khả năng phục hồi vận chuyển container.
Kết thúc 2 ngày thảo luận sôi nổi trên cơ sở các chương trình nghị sự, ông Hoàng Hồng Giang đánh giá, hội nghị đã được cập nhật về việc thực hiện các mục tiêu vận tải bền vững và các mục tiêu vận tải biển cụ thể, bao gồm: Thị trường vận tải biển thống nhất Asean (ASSM) và phát triển cảng thông minh và xanh theo Kế hoạch Chiến lược vận tải Kuala Lumpur (KLTSP); các biện pháp giảm thiểu việc tăng giá cước vận tải biển và lưu thông container trong Chương trình phục hồi toàn diện ASEAN. Trong khi đó, cũng đã đạt được một số tiến bộ trong Thỏa thuận hợp tác hàng hải ASEAN - Ấn Độ bằng cách đi đến sự nhất trí chung về một số vấn đề đang chờ xử lý.
“Trước Covid-19, ASEAN đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã trở thành nguyên tắc cơ bản của cộng đồng kể từ khi thành lập. Vì vậy, tôi mong muốn chúng ta, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục làm tốt công việc của mình và cùng nhau tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu Vận tải biển và Vận tải bền vững trong khuôn khổ KLTSP 2016-2025", Chủ tịch MTWG lần thứ 42 phát biểu và hi vọng thời gian tới, cộng đồng hàng hải ASEAN và các đối tác sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều khía cạnh của lĩnh vực hàng hải.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.