Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP): Những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam

05/08/2016 15:32

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với mức độ cam kết sâu về nhiều lĩnh vực, TPP hiện đang là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

ThS. Hoàng Thị Phương Lan 

 Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Người phản biện:

PGS. TS. Vũ Trụ Phi

TS. Mai Khắc Thành

TÓM TẮT: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với mức độ cam kết sâu về nhiều lĩnh vực, TPP hiện đang là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Việc thực hiện theo Hiệp định TPP tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các quốc gia và cũng không ít những thách thức lớn đối với nền kinh tế của các quốc gia đó. Thách thức đó càng lớn hơn khi đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển thấp hơn các quốc gia khác như Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung sẽ phải đương đầu với sức ép cạnh tranh lớn, trong khi lại yếu hơn về qui mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động cũng như chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh hợp lý. TPP tạo ra nhiều cơ hội giao thương giữa các quốc gia hay thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, từ đó kéo theo nhu cầu về vận tải tăng nhanh, trong đó ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp cảng biển. Bài báo tập trung phân tích những cơ hội cũng như những thách thức mà TPP mang lại cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam và đề xuất những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển có thể đứng vững và nâng cao vị thế cạnh tranh.

TỪ KHÓA: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp cảng biển.

Abstract: The Trans-Pacific Partnership Agreement is a compromise of free trade among twelve nations with the purpose of integrating to the Asia-Pacific economic region. With the deep  commitment of many fields, the TPP is currently the most important trade agremment in VietNam.The  application of TPP to practice will create many opportunities  as well as challenges for its partnership nations. In fact, the challenges are bigger  to  the poorer countries like VietNam. All the Vietnamese enterprises, in general, will have to cope with great pressure of competition whereas we are weaker at capital, equipment capacity, technology  and right managerial strategies. It is the TTP that opens trading opportunities or promotes the import and export. This, therefore, accelerates the needs of transportation in which the role of seaport enterprises is of great importance. In this article, I would like to focus on analyzing the opportunities as well as challenges brought for the Vietnamese  seaport enterprises by the TPP, at the same time,  some solutions to help them to exist and develop are also proposed in this study.

KEYWORDS: Economic partnership agreement trans-pacific (tpp), seaport enterprises.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiệp định TPP bao gồm các quy định và cam kết thương mại truyền thống và phi truyền thống, tại đó các nội dung về thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp tại biên giới vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng hơn. Hiệp định sẽ điều chỉnh các nội dung thương mại phi truyền thống, trực tiếp gắn với hoạt động kinh doanh đầu tư, cũng như hình thành thị trường trao đổi các yếu tố của quá trình sản xuất như: Lao động, đất đai, môi trường, vốn, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ...

TPP sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Về mặt kinh tế, Việt Nam được đánh giá sẽ đạt được các lợi ích lớn và lợi ích “cốt lõi” khi tham gia vào TPP: Đối với ngành Dệt may, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30%/năm; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên. Tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á...

Cũng như các ngành khác, ngành GTVT cũng có những thay đổi rõ nét khi Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng. Những cam kết của Việt Nam trong hợp tác với khu vực, song phương, đa phương đều có tác động đến GTVT. Từ đầu năm nay, Việt Nam mở cửa cảng biển cho ASEAN, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được vào kinh doanh logistics tại Việt Nam. Trước đó, doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ bốc xếp container tại cảng biển Việt Nam phải thành lập liên doanh với doanh nghiệp nội và chỉ được giữ tối đa 49% vốn.

Như vậy, khi TPP được hình thành, tạo bước nhảy vọt về hoạt động giao thương giữa các nền kinh tế thành viên tham gia sau khi nhiều chính sách bảo hộ thuế quan được cắt giảm và gỡ bỏ. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến nhu cầu vận tải, kho bãi và dịch vụ cảng biển và kéo theo đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ nay cho đến năm 2020 là 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 623 tỷ USD vào năm 2020 (nguồn World Bank), Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Trước những yêu cầu thực tế và thách thức từ hội nhập, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp cảng biển, logistics phải nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng sức cạnh tranh.

Cũng như các doanh nghiệp vận tải Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển nói riêng sẽ gặp phải những thuận lợi và khó khăn nhất định trong hoạt động kinh doanh của mình khi thực hiện hiệp định TPP. Trong ngành GTVT, đặc biệt là giao thông thủy, các doanh nghiệp cảng biển chiếm vị trí then chốt. Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý như cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực đã giúp cho Việt Nam rất thuận lợi trong giao thông và lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế.    

2. NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP CẢNG BIỂN KHI VIỆT NAM THAM GIA TPP

2.1. Những cơ hội của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam khi tham gia TPP

Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài làm tăng vị thế của doanh nghiệp. Thực tế trước đây cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài chưa mặn mà trong việc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước để đầu tư vào lĩnh vực cảng biển vì nhu cầu thị trường không cao và cơ sở hạ tầng cho phát triển cảng biển còn thấp. Tuy nhiên, khi nhu cầu vận tải trong nước gia tăng do tác động của TPP sẽ tạo cơ hội tiềm năng cho việc phát triển hệ thống cảng biển, từ đó tạo ra cơ hội thu hút nguồn tài chính từ nước ngoài thông qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, góp phần làm tăng nguồn tài chính trong nước.

Cơ hội thị trường tăng: Nhu cầu vận tải nhiều hơn do nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cụ thể là cơ hội hoạt động của các doanh nghiệp vận tải lĩnh vực hàng không và hàng hải tăng. Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp ngành GTVT ra nước ngoài cũng rộng mở. Khối lượng hàng hóa trong nước sản xuất sẽ lớn hơn, cùng với vận chuyển, đối lưu giữa các nước đối tác tăng lên, được nhận định là cơ hội để mở rộng thị trường, sản lượng vận tải cho doanh nghiệp Việt Nam. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển được dự kiến tăng mạnh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đặc biệt là với các nước thành viên tham gia hiệp định. Doanh nghiệp cảng biển và hàng hải, xác định rõ lợi thế trong chuỗi cung ứng, có cơ hội tăng thị phần vận tải.

Cơ hội thu hút các chuyên gia quản lý và lao động có trình độ cao. Khi TPP được thực hiện có sự tự do di chuyển của lao động chuyên môn nên sẽ có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp cảng biển thu hút các chuyên gia về quản trị kinh doanh hay đội ngũ lao động chất lượng cao và các phương pháp quản trị khoa học, hiện đại từ các nước thành viên khắc phục những điểm yếu về nhân lực của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam hiện nay.

2.2. Những thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp cảng biển khi Việt Nam tham gia TPP

 Đầu tư cho hệ thống cảng biển phải đáp ứng kịp nhu cầu vận tải gia tăng; quy hoạch hệ thống cảng biển phải đảm bảo tính tổng thể và liên kết với hệ thống giao thông thủy nội địa.

Các yêu cầu vận tải và tiêu chuẩn giao nhận hàng ngày càng khắt khe và chặt chẽ nên đòi hỏi các doanh nghiệp cảng biển phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi hình thành TPP, trước áp lực về nhu cầu vận tải và hoạt động logistics thì các doanh nghiệp cảng biển cũng chịu áp lực lớn đảm bảo chuỗi cung ứng dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu.

3. GIẢI PHÁP CHO CÁC DOANH NGHIỆP CẢNG BIỂN KHI HÌNH THÀNH TPP

3.1. Đề xuất giải pháp với Nhà nước

- Nhà nước cần tuyên truyền phổ biến để các doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin liên quan đến việc hình thành TPP, lộ trình thực hiện các điều khoản liên quan cụ thể theo TPP là lộ trình cắt giảm thuế.

- Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp cảng biển thuộc các khu vực khác nhau và các doanh nghiệp giao thông vận tải khác, nhất là cơ sở hạ tầng, bến cảng, khai luồng lạch...

- Tăng cường các hoạt động liên kết các doanh nghiệp cảng biển với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, xây dựng mạng lưới vận tải, thông tuyến...; thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong các hoạt động phát triển thị trường, đào tạo nhân lực. Tổ chức các hội thảo để các doanh nghiệp cảng biển cung cấp và chia sẻ thông tin.

- Xem xét thực hiện triệt để các quy định trong WTO, hoặc những quy định mà WTO không cấm: Ví dụ như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ phát triển các nghiệp vụ logistics, dịch vụ vận tải cho các doanh nghiệp.

- Quản lý, thể chế, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành GTVT, ngành khai thác cảng cần đảm bảo tính đồng bộ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành vận tải trong thời gian tới.

3.2. Giải pháp đối với các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam

- Nâng cao thế chủ động của các doanh nghiệp cảng biển bằng cách chủ động học hỏi tự cải thiện năng lực của mình, tìm kiếm những giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh; huy động các nguồn lực tài chính đủ mạnh để đổi mới phương tiện, hiện đại hóa các công trình cầu cảng và thiết bị bốc dỡ đảm bảo đủ năng lực đối phó với những thách thức lớn từ nhu cầu thị trường và phát huy được vai trò của lĩnh vực vận tải thủy;

- Tăng cường khả năng thu hút đầu tư tài chính, tìm kiếm các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài để bổ sung các nguồn vốn theo quy định nhằm tăng cường năng lực về phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ, đảm bảo khả năng cạnh tranh;

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về quản trị doanh nghiệp và lĩnh vực vận tải đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ;

- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp cảng biển trong nước với nước ngoài và với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, thiết lập các tuyến vận tải mới nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng khả năng có thể thay thế được các tuyến vận tải đường bộ và hàng không.

4. KẾT LUẬN

Hiệp định TPP được thực hiện là một mốc sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế các nước thành viên nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Ta có cơ hội tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước để phát triển, thu hút mạnh đầu tư và công nghệ tiên tiến, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm; có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư từ các nước của TPP. Tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đóng vai trò là cửa ngõ nên các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam là đơn vị chịu tác động trực tiếp đầu tiên khi Việt Nam tham gia hiệp định TPP, xuất hiện nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức lớn đối với hoạt động của hệ thống doanh nghiệp cảng biển Việt Nam. Bài báo còn hạn chế trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể và chi tiết, tuy nhiên cũng đã thực hiện được mục tiêu phân tích được những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp cảng biển, từ đó có những giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp sẵn sàng cho việc tham gia Hiệp định TPP trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

[1]. Phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 3/8/2011.            

[2]. Nguyễn Thị Thu Hà, Đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

[3]. PGS. TS. Phạm Thị Hồng Yến, Hiệp định TPP -cơhi, thách thc vàgii phápchiến lược.

[4].  Cổng thông tin điện tử, Bộ Công Thương, Các nội dung chính của hiệp định TPP.

Ý kiến của bạn

Bình luận