Hiệp hội các nhà thầu thi công Cao tốc Bắc Nam “kêu cứu”

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 15/07/2022 08:24

Các kiến nghị giải quyết bất cập và tháo gỡ khó khăn được gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT - Bộ xây dựng...các Ban QLDA

 

Nhà thầu thi công đang gặp vô vàn khó khăn sau đại dịch, bão giá

Nhà thầu thi công đang gặp vô vàn khó khăn sau đại dịch, bão giá

Ngày 14/7,  Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam đã gửi đơn kiến nghị giải quyết bất cập và tháo gỡ khó khăn đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan như Bộ GTVT - Bộ xây dựng.... và hàng loạt các Ban QLDA từ Bắc vào Nam.

Các nhà thầu tham gia thi công dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 2020: dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 - Nghi Sơn – Diễn Châu- Bãi Vọt đến Nha Trang – Cam Lâm , Vĩnh Hảo –Phan Thiết – Dầu Giây.....là những Tổng công ty, doanh nghiệp xây dựng lớn như: Công  ty CP Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty Thăng Long - CTCP, Tổng công ty XD Trường Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty CP VINACONEX, Công ty CPĐT và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Tổng công ty Thành An.....

786B1456-483F-4F47-9044-326AB1FE87ED


Đơn kiến nghị chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Sau khi khởi công, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ và các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, thực thi giãn cách xã hội đã gây rất nhiều khó khăn cho các Nhà thầu trong công tác huy động vật tư, thiết bị, nhân lực, vừa thi công vừa phải đảm bảo các biện pháp chống dịch, thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, không phát huy hết công suất thiết bị, giảm hiệu quả thi công. Đồng thời phát sinh rất nhiều chi phí khác (chi phí xét nghiệm, đơn giá thuê nhân công tăng cao, tiền hỗ trợ nhân công trong thời gian cách ly,........). Tất cả các nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nêu trên trong thời gian đó cần phải được đánh giá và xác định thuộc trường hợp bất khả kháng để đảm bảo công bằng và theo đúng quy định.  Điều 19 của Hợp đồng thi công xây dựng: “Rủi ro và bất khả kháng”.

Khó khăn thứ hai mà các nhà thầu đang trải qua đó là việc khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu. Nguyên nhân là do trong bước lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (TKKT), Tư vấn khảo sát và đưa vào Hồ sơ khảo sát Vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ chưa có giấy phép khai thác mà mới chỉ nằm trong quy hoạch khai thác của địa phương, thậm chí mới chỉ có trong định hướng quy hoạch khai thác. Trong khi, thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu san lấp thông thường theo quy định của Luật khoáng sản, phải qua 9 bước, với thời gian nhanh nhất từ 9 -12 tháng. Một số mỏ có Giấy phép khai thác, nhưng trữ lượng thấp, công suất khai thác hạn chế, cự ly rất xa công trường, chất lượng không đạt yêu cầu sử dụng thi công công trình cao tốc. Rất nhiều mỏ đất, đá cho cấp phối đá dăm, đá cốt liệu bê tông nhựa muốn sử dụng phải chọn lọc vật liệu, gia công lại sản phẩm đầu ra của các mỏ đá (lắp bổ sung máy vò đá, thay thế hệ thống côn nghiền, sàng,... mới có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án). Nhà thầu phải khảo sát và bổ sung nhiều mỏ mới cách xa công trường, bất lợi về cự ly, đẩy giá vật liệu tại chân công trường lên rất cao (ví dụ: Gói thầu 3XL đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thi công trên địa bàn Huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tỉnh Đồng Nai nhưng phải mua đá sản xuất bê tông nhựa (BTN) tại mỏ Núi Sò, Huyện Châu Đức,Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với cự ly vận chuyển về công trường khoảng 80 km).

Cho đến cuối Quý 1 và đầu Quý 2 năm 2022 (sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công), các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho Nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, sau khi các mỏ vật liệu được cấp phép thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất.

Nguyên nhân thứ 3 là do công tác bàn giao mặt bằng không đồng bộ, xôi đỗ, cùng với tình trạng thiếu đất đắp như đã nêu trên dẫn tới phát sinh thêm rất nhiều chi phí và không đảm bảo tiến độ. Đồng thời, công tác di dời các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm, chia cắt mặt bằng thi công và cho đến nay vẫn còn nhiều đoạn thi công vướng mặt bằng. Trong khi thời tiết bất lợi trong giai đoạn nước rút Các gói thầu có thời gian hoàn thành hợp đồng trong năm 2022 (một số Gói thầu hoàn thành Quý 2 năm 2023)

Giá vật liệu, nhân công, nhiên liệu.....đang tăng một cách “chóng mặt”

Giá vật liệu, nhân công, nhiên liệu.....đang tăng một cách “chóng mặt”


Nguyên nhân quan trọng nhất mà các nhà thầu kiến nghị chính là tình trạng bão giá các loại vật liệu chính.  Ngay sau khi khởi công, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính đã biến động tăng đột biến như: thép các loại (thép tròn, thép hình, cáp dự ứng lực...), đất đắp các loại, cốt liệu đá cho Bê tông xi măng, bê tông nhựa..., cát vàng sản xuất BTXM,.......Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giá thép tăng phi mã theo thông báo của các nhà sản xuất thép trên thị trường (từ Quý 4 năm 2020 đến nay). Đối với tình trạng “bão” giá vật liệu đất đắp chỉ được kìm hãm một phần sau khi các địa phương cấp phép khai thác các mỏ đất cho Nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Chính phủ. Đứng trước biến động quá lớn về giá cả các loại vật liệu chính, từ Quý 3 năm 2021, Nhà thầu đã có rất nhiều văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Ban QLDA.

Thời điểm hiện nay, giá một số chủng loại vật tư, vật liệu chính: giá đất đắp tăng khoảng 30% - 50% (cá biệt có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng khoảng 15% 40% (cá biệt có gói thầu tăng 187%), giá nhựa đường tăng khoảng 35% + 50%, giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20% + 55%, giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 30% + 45% (cá biệt có gói thầu tăng 129%), giá nhiên liệu dầu diezel: tăng phi mã 138% + 163%, giá thép tăng khoảng 40% + 50% (một số thời điểm tăng đến 70%), xi măng tăng khoảng 20% + 35%...

Hiện tại, cước vận chuyển đã tăng từ 70% + 150% kể từ cuối năm 2021, đồng thời do đặc thù ngành xây dựng công trình giao thông, chủ yếu thi công cơ giới, nên càng khiến chi phí máy thi công tăng lên rất lớn. Nhưng các nhà thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển thông báo sẽ tiếp tục tăng cước vận tải khoảng 30% - 40%. Với biến động quá lớn nêu trên, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu và vận chuyển đến công trường. Mặc dù Nhà thầu đã rất cố gắng để xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho công trình đường cao tốc Bắc – Nam, nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong suốt thời gian dài hơn 1 năm qua là quá lớn. Kết hợp các yếu tố nêu trên đã gây tác động cộng hưởng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt về tài chính và đang trên bờ vực phá sản.

Nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, thì nguy cơ “vỡ” tiến độ tại các dự án là không tránh khỏi.

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu giúp cải thiện dòng tiền có vốn quay vòng sản xuất, thúc đẩy tiến độ thi công, nhà thầu xin báo cáo Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê văn Thành, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các Ban QLDA xem xét chấp thuận các kiến nghị như:

Đối với các Gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện theo hình thức đầu tư công: Áp dụng khoản 4, khoản 5, điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Giao 8 thông Vận tải thuê Tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu (theo 5 nhóm chỉ số biến động vật liệu trong công thức điều chỉnh giá: nhựa đường, sắt thép xây dựng, cát các loại, đá các loại, xi măng) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình & chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do biến động giá như báo cáo trên.

Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay làm cơ sở xác định chỉ số nhân công phục vụ tính toán điều chỉnh giá theo hợp đồng. Bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng, vì giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng rất lớn (chiếm tỷ trọng từ 15% giá trị gói thầu), nhưng được coi là yếu tố cố định không điều chỉnh.

Áp dụng các điều kiện thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản của Bộ Luật dân sự mục “Rủi ro và bất khả kháng” cho phép nhà thầu lập tiến cho khối lượng còn lại, trình Ban QLDA, Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận. Cho phép sử dụng nhựa đường 40/50 hoặc bổ sung phụ gia tăng cường dính bám nhựa, tăng khả năng kháng hằn cho lớp bê tông nhựa lớp trên BTNC 12,5 nhằm tăng khả năng ổn định lớp áo đường trong quá trình khai thác sau này cho tất cả các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, kinh phí bổ sung được lấy từ nguồn dự phòng của các gói thầu. Đối với các mỏ đất đắp sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, đề nghị xem xét ban hành cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục thu hồi đất nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục thuê đất và giao đất thực hiện các bước tiếp theo.

Nhà thầu rất mong nhận được sự quan tâm xem xét tháo gỡ khó khăn của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội, Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê văn Thành, Bộ Giao thông Vận tải, các Ban QLDA, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận