Chi phí lắp ráp xe đầu kéo trong nước có cả khoản: Mời cán bộ Cục Đăng kiểm đi nước ngoài (!) |
Cụ thể, trong kiến nghị của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) gửi tới Bộ Tài chính, Hiệp hội này cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước khi nhập khẩu linh kiện (CKD) để sản xuất lắp ráp xe đầu kéo phải chịu thêm nhiều loại chi phí để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh như chi phí thử nghiệm động cơ, chi phí khấu hao đầu tư dây chuyền lắp ráp, chi phí quản lý, đào tạo nhân công...với tổng chi phí lắp ráp lên đến 17,5% (chưa bao gồm thuế nhập khẩu).
Nhưng đáng chú ý, theo Hiệp hội Cơ khí, trong các khoản chi phí đó, có cả chi phí "mời Cục Đăng kiểm Việt Nam đi nước ngoài để đánh giá chất lượng của linh kiện nhập khẩu" (!).
"Nếu cộng cả chi phí lắp ráp thì chi phí của xe sản xuất lắp ráp trong nước là trên 25%. Trong khi, các loại xe đầu kéo nguyên chiếc nhập khẩu thì thuế nhập khẩu như từ Trung Quốc là 0% nên xe đầu kéo lắp ráp, sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được. Đó là chưa kể lượng xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập về thời gian qua rất lớn. Riêng năm 2015, có trên 12 ngàn chiếc trị giá 15.600 tỷ đồng được về Việt Nam", Hiệp hội Cơ khí nêu.
Hiệp hội Cơ khí cũng cho biết, với chủng loại xe sơ mi rơ moóc, là loại xe cấu tạo đơn giản mà trong nước có thể sản xuất, lắp ráp được trên 70% tổng thể cấu thành xe hiện cũng được nhập khẩu rất lớn, khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp của Việt Nam suy yếu.
Bộ Tài chính cho biết, với các lý do trên, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã kiến nghị Bộ này điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc mới lên 20% nhằm "tăng thu thuế cho ngân sách" và để bình đẳng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe đầu kéo về mức 0%.
Với xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc đã qua sử dụng, theo Hiệp hội Cơ khí, thuế nhập khẩu loại xe này từ các nước chỉ còn 0% nên Hiệp hội này đề nghị điều chỉnh tăng lên...50%.
"Việc tăng thuế nhập khẩu loại xe này lên cao sẽ giúp ngân sách tăng thu thêm hàng ngàn tỉ đồng đồng thời giúp hạn chế sử dụng xe kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và tránh cho Việt Nam khỏi nguy cơ là bãi rác của thế giới", công văn của Hiệp hội Cơ khí do ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội này nêu.
Ngoài ra, VAMI cũng kiến nghị tăng thuế nhập khẩu cả với xe sơ mi rơ moóc từ 0% hiện nay lên 50% với các lý do tương tự.
Một cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính cho biết , Bộ này đang xem xét kiến nghị trên của VAMI nhưng khả năng tăng thuế lên mức cao với một số loại xe đầu kéo, xe sơ mi rơ moóc như Hiệp hội Cơ khí đề nghị là khó khả thi vì "không phù hợp hoặc trái với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với ASEAN và các nước".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.