“Hình hài” GTVT TP. Hồ Chí Minh thế nào nhìn từ quy hoạch?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 20/07/2021 08:20

TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch với nhiều dự án giao thông hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao trong tương lai.


 

1
Bản đồ quy hoạch đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh

 

Để “khơi thông” nguồn lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ đặt mục tiêu phải đầu tư khép kín hai tuyến đường Vành đai 3 và 4 trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian tới, các địa phương phải thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành gần 73 km đường Vành đai 3 và 186 km đường Vành đai 4.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện nay địa phương đã làm việc với các tỉnh lân cận nhằm đẩy nhanh công tác thực hiện dự án Vành đai 3 và các bước chuẩn bị cho Vành đai 4. Trước mắt, khi tuyến đường Vành đai 3 được xây dựng hoàn chỉnh sẽ giảm UTGT, TNGT và ô nhiễm môi trường, tăng cường kết nối QL1, QL22 với các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Tuyến đường đồng thời góp phần tăng cường liên kết vùng, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch. 

Hiện nay, việc chậm khép kín đường Vành đai 3 làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều tuyến cao tốc kết nối. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đầu tư khép kín đường Vành đai 3. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT khẩn trương triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự án quan trọng quốc gia) trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Để xóa “điểm nghẽn” kết nối này, Bộ GTVT đã quyết liệt và thường xuyên tổ chức họp, lấy ý kiến của các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện hai dự án này.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, về chủ trương triển khai thực hiện hai tuyến đường Vành đai 3 và 4, Chính phủ đã giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần theo phương thức đầu tư PPP để thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa. Các địa phương sẽ thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai, Bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. Về mặt pháp lý, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay các địa phương, sở GTVT đang thiếu nhân sự có kinh nghiệm thực hiện dự án trọng điểm, nhất là các vướng mắc thủ tục trong dự án PPP, do đó, Bộ và các cơ quan liên quan sẽ làm việc với UBND tỉnh, các bên liên quan để sớm giải quyết các thủ tục vướng mắc. Bộ trưởng cũng chỉ ra, hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện dự án BOT trên Xa lộ Hà Nội rất tốt, vẫn đảm bảo hoàn vốn cho dự án qua việc thu phí và đảm bảo các tuyến đường song hành, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân sinh sống hai bên tuyến đường. Do đó, các địa phương khác cần tham khảo kinh nghiệm để áp dụng. Từ đó, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, từ một dự án thành phần của từng địa phương nhưng khi thực hiện xong sẽ nằm trong quy hoạch của Ngành, nhằm đảm bảo sự đồng bộ về mặt thời gian cũng như kỹ thuật.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố là trung tâm kinh tế có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cửa ngõ giao thương và cũng là đầu mối giao thông lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, địa phương đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chính sách đầu tư xây dựng đất đai, hỗ trợ tái định cư..., từ đó gây trở ngại cho phát triển hạ tầng trên địa bàn. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, các điểm đặc biệt quan trọng của dự án, các liên kết, vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đã không hoàn thành như kế hoạch lập ra. Trong khi đó, sự phát triển của các khu đô thị mới tập trung đông dân cư, dân trí cao cùng với sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân... đã làm quá tải hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện hữu. Vì lý do trên, Thành phố cũng cần kiểm tra, đánh giá thực tế, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, xác định quan điểm, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nghiên cứu các giải pháp đột phá và xây dựng lộ trình bao trùm để triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, có kết nối. Đề án phát triển kết cấu hạ tầng GTVT TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 do Sở GTVT đầu tư xây dựng đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. Đối với hai dự án trọng điểm Vành đai 3 và Vành đai 4, Sở cũng sẽ tăng tốc thực hiện từ các bước chuẩn bị sơ khai, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu có năng lực để thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận