Họ là những anh hùng miền biển...!

Tác giả: Lưu Thảo Ly

saosaosaosaosao
02/02/2017 15:45

Mảnh đất miền Trung anh dũng kiên cường với những ngư dân Việt Nam kiên trì bám biển, bám ngư trường truyền thống đã trở thành một hình ảnh, biểu tượng đẹp. Những ngư dân kiên trì bám biển không chỉ để mưu sinh, phát triển kinh tế mà chính họ đang góp phần bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng thiêng của Tổ quốc. Họ là những anh hùng miền biển, luôn đồng lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa - máu thịt của Tổ quốc.

 

images1248348_images1488072_T_u_l_n_xu_t_b_n_ra_ng

Ấm nồng tình lính biển

Một ngày cuối năm, chúng tôi đến Chi đội Kiểm ngư số 3, trực thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng II đóng tại vùng biển Đà Nẵng. Cái bắt tay ấm nồng của anh em đã xua tan cái lạnh của mùa đông miền biển. Gặp gỡ, trò chuyện, được nghe tỏ tường quá trình đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam của những người lính biển làm cho những người cầm bút như chúng tôi thêm niềm tin vào cuộc sống.

Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 đóng tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển từ Quảng Trị vào Bình Định và toàn bộ vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển vùng 2 đã làm tốt nhiệm vụ chấp pháp trên biển.

Đại tá Trần Văn Dũng - Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, các chiến sĩ Cảnh sát biển vùng 2 ngày đêm kiên cường bám biển. Đã đôi lần, tàu của Cảnh sát biển bị tàu Trung Quốc đâm va, xịt vòi rồng, nhiều chiến sĩ bị thương khi đang làm nhiệm vụ, nhiều lượt tàu bị hư hỏng nhưng không vì thế mà làm chùn bước các chiến sĩ. Trước sự việc đó, trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng Cảnh sát biển luôn nêu cao tinh thần vững vàng, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn vững lòng và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Chiến sĩ Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ cơ động tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển - đảo của tỉnh, với tổng chiều dài bờ biển là 151km và vùng biển đảo Lý Sơn. Chúng tôi đến thăm vào một chiều mưa cuối năm, các chiến sĩ rất cảm động và bày tỏ: “Tình cảm của đất liền luôn là nguồn động lực to lớn, cổ vũ chúng tôi vững tâm bám biển, đảo và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam”.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương

Chúng tôi ra huyện đảo Lý Sơn không ít lần, nhưng mỗi lần đến là một cảm xúc khác lạ. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trên đầu tàu, thuyền neo đậu tại huyện đảo khiến mỗi người khi đặt chân đến đều vững lòng hơn, tự hào hơn. Sự rộn ràng, tấp nập ở bến cảng Lý Sơn với cảnh chuẩn bị lưới ra khơi, mang cá lên bờ, người giao, nhận hàng hóa đã thêm phần khẳng định sự vươn khơi bám biển của ngư dân mỗi ngày.

Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích tự nhiên hơn 10km2, dân số khoảng 21 ngàn người. Đây là huyện có mật độ dân số cao nhất trong 14 huyện đảo của nước ta, giữ vị trí trọng yếu trên vùng biển Đông và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Trong đó, đội tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn luôn bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản và khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài nghề đánh bắt hải sản truyền thống, nơi đây còn nổi tiếng bởi nghề trồng hành, tỏi. Nét đặc trưng của vùng đất này là đàn ông bám biển vươn khơi, phụ nữ ở nhà cần cù chịu khó, cải tạo đất, trồng hành, tỏi trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi. Đặc biệt, bà con ngư dân luôn quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường, tích cực cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Bùi Bốn - Thuyền trưởng tàu Lý Sơn QNG 96147, huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Khi ra biển, ngư dân chúng tôi thường gặp nhiều khó khăn từ các tàu của Trung Quốc. Chúng thường cướp hải sản, phá tàu thuyền của ngư dân. Tuy nhiên, vì đây là ngư trường truyền thống của Việt Nam nên chúng tôi quyết tâm bám biển”.

DSC_0353

Góp sức xây dựng quê hương

Ngư dân Việt Nam vốn có tinh thần hăng say lao động, yêu nước nồng nàn. Với họ, bám biển, vươn khơi là cuộc sống, là niềm tự hào làm chủ vùng biển quê hương, nối nghề truyền thống ông cha để nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Bởi vậy, khi trời yên biển lặng hay dù sóng to, gió lớn họ cũng chẳng quản, coi việc vươn đến tận cùng hải phận Tổ quốc để khai thác hải sản, thực hiện quyền làm chủ biển, đảo là khát vọng, hạnh phúc của mình. Họ quan niệm rằng, với phần lớn thời gian làm ăn trên biển thì ra khơi mới thực sự là “về quê”, tàu là nhà, biển là quê hương. Ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy - các vùng biển, đảo Việt Nam ông cha ta đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, giữ gìn, truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Ý thức rõ điều đó, các thế hệ ngư dân ngày nay luôn quyết tâm bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điều đó cho thấy, ngư dân ra khơi không chỉ khi thuận lợi, mà ngay cả lúc khó khăn, thử thách, bị các tàu nước ngoài xua đuổi, va đập, thu giữ, cướp ngư cụ… cũng không làm họ nản chí.

Nhận thức rõ vai trò của ngư dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã sớm đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của họ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là việc cho ngư dân vay vốn tín dụng để đóng tàu mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần nghề cá… bước đầu đạt hiệu quả tích cực.

Thêm một mùa xuân ấm áp, tràn đầy niềm tin yêu nữa lại về trên mỗi con tàu vươn khơi bám biển của ngư dân vùng biển miền Trung

Ý kiến của bạn

Bình luận