Một chiếc xe khách hoán cải cũ nát chở hàng cồng kềnh (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Hiện trạng đáng lo ngại
Trả lời phóng viên VOV Giao thông Quốc gia, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó trưởng phòng CSGT đường bộ- đường sắt, Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc hoán cải phương tiện tham gia giao thông xảy ra phổ biến nhất ở nhóm xe tải và xe khách, để phù hợp với quá trình kinh doanh vận tải. Khi đó, theo quy định của pháp luật, chủ phương tiện phải thực hiện khai báo, đăng kiểm lại với cơ quan chức năng để được cấp phép lưu thông cho phương tiện. Tuy nhiên, không ít trường hợp vì lợi nhuận, chủ xe không thực hiện đúng các quy định, ví dụ như xe tải cơi nới thành thùng trái quy định, xe ô tô khách lắp thêm ghế hoặc thêm giường nằm, hoặc xe khách hết niên hạn sử dụng thì tháo ghế, tháo giường nằm để cải tạo thành ô tô tải vận chuyển hàng hóa trên đường nhưng không khai báo, đăng kiểm lại.
“Tất cả các hành vi cải tạo không được phép, không đúng với thiết kế của nhà sản xuất, hoặc không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Người điều khiển phương tiện đã có sự thay đổi như vậy khi điều kiện kỹ thuật không đảm bảo thì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông, hoặc do điều kiện không đảm bảo an toàn thì dẫn đến cháy nổ, hoặc khi tham gia giao thông có những sự cố trên đường, để lại hậu quả lớn”- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đối với hiện trạng cải tạo xe khách thành xe tải chở hàng nói riêng, ông Nguyễn Hữu Trí- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, niên hạn đối với phương tiện xe khách là 20 năm, trong khi đối với phương tiện xe tải là 25 năm. Bởi vậy, hiện nay, nhiều chủ xe đã thực hiện cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng thành phương tiện chở hàng để tận dụng khai thác 5 năm niên hạn còn lại. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có 4.009 ô tô tải được cải tạo từ ô tô khách còn niên hạn sử dụng. Thời gian qua, cơ quan này đã tiếp nhận nhiều phản ánh về tình trạng ô tô khách tự ý cải tạo khoang hành lý, tháo bỏ ghế ngồi để chở hàng lậu, chủ yếu ở vùng biên giới, trong đó có nhiều xe đã hết niên hạn sử dụng. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cử cán bộ đi kiểm tra, khảo sát tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh và phát hiện ở đây hiện có 73 ô tô khách đã được cải tạo thành ô tô tải, trong đó chỉ có 16 xe còn niên hạn sử dụng. Đáng lưu ý, trong số này có nhiều phương tiện không rõ nguồn gốc, sử dụng biển số, Giấy chứng nhận và Tem kiểm định của xe khác hoặc giấy tờ giả để lưu hành chở hàng hóa. Tất cả những phương tiện này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Hữu Trí dẫn chứng: “Phương án cải tạo rất đơn giản là tháo ghế, bít một số cửa kính phía sau để chở hàng, vì chi phí cải tạo ít nhất mà người ta vẫn có xe sử dụng được vài năm. Tuy nhiên việc cải tạo như thế có bất cập là: Việc bốc xếp hàng hóa khó, thứ hai là những thùng kín như vậy chở hàng quá tải, một số lại chở hàng không có nguồn gốc hóa đơn rõ ràng; thứ ba là xếp hàng lên những xe như vậy thì cũng tiềm ẩn nguyên nhân gây ra cháy, hỏa hoạn với xe”.
Áp dụng quy định mới để siết chặt quản lý
Trước bất cập và những nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các phương tiện hoán cải từ xe khách thành xe tải chở hàng, Cục Đăng kiểm đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành văn bản mới nhất không cấp phép cho hoạt động cải tạo xe khách thành xe chở hàng. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại những xe đã được cải tạo, cấp phép trước quy định này. Do đó, từ nay cho đến khi nhóm phương tiện này hết niên hạn sử dụng, cơ quan này đang tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát.
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị đăng kiểm kiểm tra đúng theo tình trạng kỹ thuật của xe đăng ký, ví dụ khi xe khách hoán cải thành xe tải thì kiểm tra đúng hồ sơ thiết kế cải tạo. Thứ hai là các yêu cầu về thân vỏ, hệ thống phanh, hệ thống an toàn vẫn phải đảm bảo. Đó là biện pháp ngăn chặn định kỳ tại các đơn vị đăng kiểm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ký một văn bản với Cục CSGT, một văn bản với Tổng cục Đường bộ để phối hợp kiểm tra”- ông Nguyễn Hữu Trí- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Về chế tài xử phạt, mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 171/2013 và Nghị định số 107/2014. Theo đó, Nghị định mới sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi uy hiếp an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi cải tạo phương tiện không đúng thiết kế để tăng tính răn đe. Cụ thể, từ ngày 1/8/2016, tất cả các hành vi cải tạo phương tiện sai quy định (như tự ý thay đổi thành khung, tổng thành máy, hệ thống chuyển động, hoặc cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước xe, thùng xe, hoặc tư ý lắp thêm, tháo bớt ghế, hoặc tự ý thay đổi tính năng của xe) sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân; từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức.
Do đó, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó trưởng phòng CSGT đường bộ- đường sắt, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo với người tham gia giao thông: “Mọi thiết kế theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất đều đã được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn khi tham gia lưu thông. Tuy nhiên, do điều kiện, nhu cầu sử dụng của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện trong quá trình sử dụng có nhu cầu chuyển đổi thì cần phải được thẩm định, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới được điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường, chứ không được tự ý thay đổi khi không có cơ quan thẩm quyền phê duyệt”.
Ngoài ra, đối với trường hợp các phương tiện xe khách đã được cải tạo thành xe tải trước thời điểm quy định mới được ban hành, các cơ quan chức năng khuyến cáo chủ xe và người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông như: Chở đúng tải trọng cho phép, đi đúng thời gian, đúng giờ quy định; thực hiện các công tác bảo dưỡng, kiểm định, cũng như thường xuyên kiểm tra các thiết bị an toàn của phương tiện. Có như vậy, chúng ta mới góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và trật tự an toàn giao thông cho cộng đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.