Ngày 25/10, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết vừa hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ GTVT về dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Tuyến cao tốc có điểm đầu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (thuộc TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), điểm cuối kết nối với QL1 (TP. Bạc Liêu). Dự án có tổng chiều dài khoảng 175,5 km với 4 làn xe cao tốc và hai làn khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Tuyến đi qua 4 tỉnh vùng Nam sông Hậu, gồm: Kiên Giang (82 km), Hậu Giang (18 km), Sóc Trăng (13 km) và Bạc Liêu (25,3 km). Tuyến cao tốc kết nối cửa khẩu Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang với hệ thống cao tốc trong khu vực. Tuyến cao tốc hình thành sẽ tạo nên một trục cao tốc giúp tăng cường giao thương hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, kết nối khu vực biên giới Campuchia với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, kinh tế của khu vực Tây Nam bộ đang phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư xây dựng do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang được triển khai, nhu cầu đất sử dụng cho các ngành kinh tế ngày càng tăng cao. Do đó, việc hoàn thiện mạng lưới giao thông chất lượng cao tạo tiền đề để các thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế có điều kiện phát triển, trong đó mạng đường cao tốc trong khu vực là cơ sở hạ tầng quan trọng thúc đẩy việc xây dựng các dự án khác có liên quan.
Đối với hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc trong vùng, hiện nay trên hành lang TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau (thuộc trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đã đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương dài khoảng 45 km; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km; cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 30 km; đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 109,5 km đang triển khai thi công, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Đối với hành lang TP. Hồ Chí Minh - Rạch Giá (thuộc trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây) đã hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 80 km, hiện đang nghiên cứu đầu tư lên chuẩn khai thác theo đường cao tốc.
Về hệ thống cao tốc trục ngang, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì trong vùng có tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai thi công, còn hai tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh, Hà Tiên - Bạc Liêu hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Hội đồng Thẩm định Nhà nước để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Như vậy, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có ý nghĩa to lớn trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch, từ đó kết nối với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và trở thành trục đường vận chuyển hàng hóa quan trọng từ Campuchia đi qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trong khu vực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.