Quang cảnh hội nghị
Chiều nay (30/12) tại trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, 2024 là năm tăng tốc, năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, các mặt công tác của ngành GTVT trong năm 2024 đã hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, tạo không khí phấn khởi trong quần chúng nhân dân, trong đó có nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã tạo khí thế mới, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tinh thần tất cả vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được bảo đảm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý, một số dự án có khả năng hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng. Bộ GTVT đã khánh thành, đưa vào khai thác 2 dự án thành phần cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000 km.
Bộ GTVT tiếp tục là một trong các bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước; công tác chuẩn bị đầu tư được bảo đảm, đã khởi công 2 dự án cuối cùng để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Bắc đến Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng, trình các đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, có quy mô rất lớn, yêu cầu phức tạp đã được thông qua như chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Công tác tham mưu, kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện kịp thời, đảm bảo khách quan, trung thực, hiệu quả. Trong đó, nhiều vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc nguồn cung cấp vật liệu phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Công tác quản lý tài chính, tài sản công được tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; Quản lý thu ngân sách nhà nước; Quản lý chi ngân sách nhà nước; Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; Quản lý, sử dụng tài sản công; Công tác lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước hằng năm; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực, chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao. Các lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt tiếp tục được chú trọng thúc đẩy phát triển, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, giảm ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường.
Công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Một số hình ảnh tham luận tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người đứng đầu ngành GTVT cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trước hết là một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Việc đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ trong quá trình quản lý, khai thác.
Một số văn bản trình chậm so với tiến độ hoặc phải điều chỉnh tiến độ xây dựng so với chương trình. Điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình xây dựng chương trình, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT.
Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập, chưa ứng dụng triệt để, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, phương tiện và người lái; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, tai nạn giao thông còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, xã hội.
Tình hình thiên tai lũ lụt diễn biến bất thường (như cơn bão lịch sử Yagi) đã làm hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông, trong khi nguồn lực còn hạn chế, cần có nguồn kinh phí lớn để khắc phục hậu quả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.