Hoàn thiện hệ thống quản lý tin tức hàng không cho ngành HK Việt Nam

Tác giả: Bùi Trọng Chí

saosaosaosaosao
26/10/2015 14:17

Trong ngành Hàng không, dịch vụ thông báo tin tức (Aeronautical Information Service - AIS) là dịch vụ được thiết lập trong phạm vi khu vực trách nhiệm nhất định để cung cấp dữ liệu và tin tức cần thiết đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho hoạt động bay.

ThS. NCS. Bùi Trọng Chí

Cục Hàng không Việt Nam

Người phản biện:

GS. TS. Từ Sỹ Sùa           

TS. Trần Văn Khảm

Tóm tắt: Trong ngành Hàng không, dịch vụ thông báo tin tức (Aeronautical Information Service - AIS) là dịch vụ được thiết lập trong phạm vi khu vực trách nhiệm nhất định để cung cấp dữ liệu và tin tức cần thiết đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho hoạt động bay. Đây là một trong 5 dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý điều hành bay đối với ngành Hàng không dân dụng trên thế giới nói chung và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng.

Do vậy, nội dung chủ yếu của bài báo đề cập đến việc xây dựng hệ thống quản lý tin tức hàng không cho ngành Hàng không Việt Nam vì hệ thống này sẽ là cơ sở, tiền đề để phát triển, hiện đại hóa các dịch vụ quan trọng như: Không lưu, sân bay, dẫn đường hàng không…, đồng thời đáp ứng yêu cầu cung cấp dữ liệu cho các hệ thống tự động hóa, bao gồm cả hệ thống quản lý điều khiển tàu bay (Flight Management System - FMS) trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của ngành Hàng không.

Từ khóa: Hệ thống quản lý tin tức hàng không.

Abstract: In the aviation sector, Aeronautical Information Service - AIS is a service established within the defined area of coverage responsible for the provision of aeronautical data and aeronautical information necessary for the safety, regularity and efficiency of air navigation. This service is one of five air navigation services that plays a critical role in air traffic management of international civil aviation in general and Viet Nam aviation in particular.

Therefore, the main contents of the article mention the establishment of aeronautical information management system since this system shall be the base and premise for the development and modernization of key services such as Air Traffic Services, Aerodrome, aeronautical navigation as well as meet the data requirements for automation systems such as Flight Management System - FMS in the global coverage.

Keywords: Management System aviation news.

1. Nội dung

1.1. Thực trạng về mô hình tổ chức

Trong ngành Hàng không Việt Nam, dịch vụ AIS do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam. Mô hình cơ cấu tổ chức phân tán, nhỏ lẻ và không thống nhất này gây nhiều khó khăn trong quá trình đảm bảo cung cấp dịch vụ.

1.2. Bản chất sản phẩm

- Các sản phẩm AIS hiện tại đa phần là các sản phẩm giấy, rất dày và nặng nề nên không thuận lợi để tổ lái mang lên buồng lái tra cứu;

- Được tạo thủ công hoặc từ các hệ thống bán tự động nên chất lượng và tính chính xác chưa cao, thời gian cung cấp còn chậm do phải gửi bưu điện;

- Lượng tin tức vừa thừa vừa thiếu do tổ lái không được lựa chọn và cung cấp những tin tức đáp ứng yêu cầu cụ thể cho từng chuyến bay.

1.3. Về xu thế chung

Việc chuyển đổi sang quản lý tin tức hàng không ngày nay, cùng với việc áp dụng tự động hóa, AIS trở thành một trong những dịch vụ có giá trị và quan trọng vì các hệ thống tự động, đặc biệt là Hệ thống quản lý không lưu (ATM), Hệ thống quản lý điều khiển tàu bay (FMS) đều cần tin tức hàng không dạng điện tử có chất lượng cao, đáng tin cậy và kịp thời. Do đó, để đáp ứng yêu cầu mới, dịch vụ AIS phải chuyển đổi sang quản lý tin tức hàng không.

Quản lý tin tức hàng không (Aeronautical Information Management - AIM) bao gồm việc quản lý các tin tức hàng không động, được tích hợp thông qua việc phối hợp cung cấp và trao đổi dữ liệu hàng không dạng số có chất lượng được đảm bảo với các bên liên quan.

1.4. Xây dựng hệ thống quản lý tin tức hàng không

1.4.1. Các giai đoạn chuyển đổi

Sự thay đổi lớn nhất trong quá trình chuyển đổi từ AIS sang AIM là công nghệ máy tính được sử dụng nhiều hơn trong quản lý tin tức/dữ liệu dạng điện tử. AIM tập trung vào dữ liệu và cơ sở dữ liệu có thể chia sẻ, dùng chung chứ không chú trọng vào từng sản phẩm đơn lẻ, đa phần dưới dạng bản giấy như dịch vụ AIS. Người sử dụng có thể truy cập cơ sở dữ liệu và tự tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mình.

Theo lộ trình chuyển đổi từ AIS sang AIM do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) quy định, các quốc gia cần thực hiện chuyển đổi theo 3 giai đoạn được mô tả qua sơ đồ Hình 1.1:

h11
Hình 1.1 mô tả giai đoạn chuyển đổi hệ thống tin tức hàng không từ AIS sang AIM

 

Với 3 giai đoạn chuyển đổi này có 21 chương trình cần được triển khai thực hiện, trong đó có những chương trình lớn, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của toàn Ngành như áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, thiết lập cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử (eTOD), hoàn thiện mạng viễn thông hàng không xuyên suốt, nâng cấp hệ thống thông báo tin tức hàng không tự động để tạo ra các sản phẩm điện tử và thực hiện trao đổi dữ liệu trên phạm vi toàn cầu, được mô tả qua sơ đồ Hình 1.2.

1.4.2. Cơ hội

Chuyển đổi sang AIM đồng nghĩa với việc phải thực hiện tái cơ cấu mô hình cung cấp dịch vụ xuyên suốt toàn Ngành, ví dụ thống nhất bộ phận thông báo tin tức hàng không tại cảng hàng không, sân bay và bộ phận thủ tục bay. Đây là cơ sở để đảm bảo chất lượng dữ liệu trong cả chuỗi dữ liệu, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý, đầu tư trang, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và huấn luyện đào tạo nhân sự.

Việc chuyển đổi từ các “sản phẩm tiêu chuẩn hóa” sang “dữ liệu tiêu chuẩn hóa” sẽ khiến định nghĩa về sản phẩm trong tương lai được tự do hơn trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn, chất lượng và sự phù hợp của tin tức trong các sản phẩm mới này (như AIP điện tử, NOTAM số…) ở mức độ cao.

Ngoài ra, khi chuyển đổi sang AIM, việc truyền dữ liệu kỹ thuật số giữa trên không và mặt đất sẽ giúp tổ lái luôn được cung cấp các tin tức hàng không cập nhật kịp thời dạng điện tử, ngay cả khi tàu bay đang bay. Bên cạnh đó, cả sản phẩm dạng sơ đồ và dạng chữ (text) được dựa trên cùng một cơ sở dữ liệu hàng không tích hợp, sử dụng chung mô hình trao đổi dữ liệu hàng không (Aeronautical Information Exchange Model - AIXM) nên đảm bảo tính nhất quán, chính xác và tiêu chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu, góp phần nâng cao an ninh, an toàn hàng không.

h12
Hình 1.2: Mô tả việc hoàn thiện mạng viễn thông hàng không nhằm nâng cấp hệ thống thông báo tin tức hàng không

 

1.4.3. Thách thức

 Để thực hiện chuyển đổi sang AIM, hàng không Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Thách thức lớn nhất là nguồn vốn đầu tư để nghiên cứu, triển khai dự án và lắp đặt các hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật nhằm thực hiện 21 chương trình của quá trình chuyển đổi. Ví dụ, riêng việc đầu tư thiết lập cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử đã cần phải huy động sự tham gia thực hiện của VATM và ACV cùng với các cơ quan khác do vốn đầu tư lớn.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực của nhà chức trách và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Mặt khác, sự phối hợp, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự; giữa người khởi tạo dữ liệu và người quản lý dữ liệu; giữa nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và nhà cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay càng cần phải chặt chẽ hơn, liên tục hơn để góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra theo lộ trình.

Cuối cùng, khi thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, thay đổi loại hình sản phẩm được cung cấp thì các doanh nghiệp hàng không cũng sẽ gặp thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân viên AIS cần được đào tạo, huấn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn, tiếng Anh, tin học để có thể đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi, trở thành nhân viên AIM. Đây có thể coi là yếu tố quyết định việc chuyển đổi sang AIM có thành công hay không.

Hiện nay, việc chuyển đổi AIS - AIM đã không còn là kế hoạch riêng của hàng không Việt Nam mà là yêu cầu chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, quá trình chuyển đổi phức tạp, lâu dài này cần có sự tham gia, phối hợp toàn ngành để đáp ứng xu thế chung, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về định hướng phát triển ngành Hàng không Việt Nam. 

2. Kết luận

Tác giả đã tập trung phân tích thực trạng dịch vụ thông báo tin tức hàng không và chỉ ra yêu cầu cấp bách của việc xây dựng hệ thống quản lý tin tức hàng không. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến lộ trình, cơ hội và thách thức khi xây dựng hệ thống này nhằm nâng cao chất lượng và quản lý khai thác một cách có hiệu quả tin tức hàng không, góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành bay của ngành Hàng không Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và liên minh quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ GTVT (2007), Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2010, định hướng đến 2020.

[2]. Chính phủ (2009), Phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số: 21/QĐ-TTg.

[3]. Bộ GTVT (2011), Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) Hàng không dân dụng Việt Nam đến 2020 và định hướng đến 2030, Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT.

[4]. Bộ GTVT (2013), Chiến lược phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

[5]. Cục Hàng không Việt Nam (2014), Đề án “Nâng Cao năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam”.

[6]. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) (2013), Phụ ước 15 về Dịch vụ thông báo tin tức hàng không (Annex 15: Aeronautical Information Services)

[7]. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) (2013), Tài liệu 8126 hướng dẫn về Dịch vụ thông báo tin tức hàng không (Doc 8126: Aeronautical Information Services).

[8]. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) (2009), Lộ trình chuyển đổi từ Dịch vụ thông báo tin tức hàng không AIS sang Quản lý tin tức hàng không AIM (Roadmap from AIS to AIM-ICAO).

[9]. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) (2013), Tài liệu 9750 về Kế hoạch Không vận toàn cầu (Doc 9750: Global Air Navigation Plan  - GANP).  

Ý kiến của bạn

Bình luận