"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT - Kỳ 2: Trung tâm đào tạo lái xe "kêu trời"

Giao thông 24h 15/11/2022 07:59

Không chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để mua sắm thiết bị DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe), đáp ứng yêu cầu đào tạo lái xe theo quy định mới, nhiều trung tâm đang kêu trời khi thiết bị gặp "vấn đề" với những thiệt hại khó đong đếm.

Những trục trặc thường gặp

Giám đốc một trung tâm giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho hay, hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp thiết bị DAT khi lắp đặt và đi vào sử dụng thì thỉnh thoảng bị các lỗi trong quá trình vận hành như: không đọc được thẻ, không nhận diện thành công, thiết bị chạy có khi bị treo, nhiều khi bị mất định vị, dữ liệu không truyền được...

"Khi gặp những tình huống này, quá trình học thực hành trên đường của các học viên bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến quá trình đào tạo của các trung tâm", vị giám đốc chia sẻ.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT - Kỳ 2: Trung tâm đào tạo lái xe "kêu trời"   - Ảnh 1.

Các học viên thực hành lái xe ôtô trên sa hình tại Trường cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh

Trong khi đó, giáo viên trong "tổ DAT" của một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình lại dẫn chứng tình huống, trong quá trình học thực hành trên thiết bị DAT, có một số phiên học của học viên đã hoàn thành được ghi nhận và lưu trữ dưới thiết bị DAT, tuy nhiên các phiên học này không truyền được về Trung tâm và về Cục Đường bộ VN.

"Trong trường hợp đó, những học viên này không đủ số km, số giờ để dự thi tốt nghiệp gây ức chế cho học viên. Nếu phải chạy lại gây tốn kém chi phí", giáo viên này cho hay.

 Đầu tư mua sắm thiết bị nhưng người học lại giảm

Việc áp dụng hình thức đào tạo mới khiến các trung tâm, trường nghề buộc phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị cấu hình cao, bố trí phòng học, duy trì vận hành hệ thống.

Đơn cử như một trung tâm đào tạo phải đầu tư thêm mỗi xe 1 bộ thiết bị (kèm sim 4G), hệ thống máy chủ. Ngoài ra, tùy lưu lượng đào tạo mà các đơn vị phải trang bị thêm thiết bị, máy móc có cấu hình cao, tuyển dụng thêm nhân sự cho việc vận hành, theo dõi, giám sát hệ thống, dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn, áp lực cho các trung tâm đào tạo.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT - Kỳ 2: Trung tâm đào tạo lái xe "kêu trời"   - Ảnh 2.

Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe Đình Xuyên, Hà Nội. (Ảnh HÀ THU)

Ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Thái Hà lại nêu tình huống, theo quy định 3 tháng học sẽ được tốt nghiệp (đối với hạng B2), nhưng khi áp dụng học với thiết bị DAT, có học viên đủ thời gian tốt nghiệp nhưng không đủ số giờ, số km.

"Ngày trước một lớp tốt nghiệp đạt khoảng 150 học viên, nhưng bây giờ chỉ được khoảng 30 đến 40 học viên đủ điều kiện, còn lại hơn 100 học viên chưa đủ dữ liệu và các điều kiện để có thể thi tốt nghiệp được, dẫn đến khó khăn cho nhà trường và trung tâm", ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, lưu lượng bị tồn lại, học viên khó sắp sếp được thời gian học, thiết bị DAT phải thì chạy theo "phiên".  "Số lượng người học giảm đi quá nhiều, có nhiều học viên đã đăng ký học song lại xin rút hồ sơ vì không bố trí được thời gian học", ông Hà nói và cho biết, thực hiện việc đào tạo lái xe theo quy định mới, trung tâm phải đầu tư rất lớn kinh phí.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT - Kỳ 2: Trung tâm đào tạo lái xe "kêu trời"   - Ảnh 3.

Học viên thực hành kỹ năng lái xe tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Minh Long

Tại tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Minh Long cũng đang gặp khó trong thiếu hụt số lượng học viên. Ông Nguyễn Đức Thập, Phó Giám đốc Trung tâm này cho biết: "rất khó khăn để tiếp cận các đối tượng học là công chức, viên chức, người ít sử dụng công nghệ thông tin. Nhà trường đã sắp xếp được lớp cho các đối tượng này nhưng họ không thể bố trí thời gian học liên tục 2 đến 3 ngày và ngược lại, thầy giáo cũng không thể nào đợi được học viên".

"Còn đối với những học viên thuộc đối tượng ít sử dụng máy tính, khi tham gia lớp học khó tiếp cận. Từ trước đến nay, nhóm đối tượng này tham gia học khá nhiều, nhưng quy định mới đòi hỏi áp dụng công nghệ nên nhiều học viên thấy khó tiếp cận, không đăng ký học. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng học viên sụt giảm thời gian qua", ông Thập cho biết thêm.

"Phần mềm quản lý của Sở GTVT không có lưu trữ kho ảnh phiên học của học viên, nên việc xác thực khuôn mặt phù hợp với thông tin đăng ký đạt 90% số lần là rất khó khăn, đề nghị Cục Đường bộ VN có ý kiến với nhà sản xuất phần mềm".

(Trích văn bản của Sở GTVT Hà Tĩnh gửi Cục Đường bộ VN)


Ý kiến của bạn

Bình luận