Thi công khó khăn do vướng mặt bằng
Ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, tổng giá trị xây lắp toàn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 67% tiến độ. Cụ thể, gói thầu J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh) bằng nguồn vốn JICA đạt tiến độ hơn 70%. Gói J2, A3 đã hoàn thành, các gói thầu A1 đạt 76%, A2-1 đạt 82%, A4 đạt 77%. Riêng gói thầu A2-2 dài chỉ 02km nhưng đang là đường găng của dự án”.
Theo ông Hùng, năm 2018 do công tác bàn giao giải phóng mặt bằng chậm trễ nên việc thi công gặp khó khăn khiến các gói thầu phía Tây chưa thể hoàn thành đúng tiến độ. Hiện tại, vướng mắc nhiều nhất tại gói thầu A2-2 huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh do còn 26 hộ chưa bàn giao mặt bằng và tỉnh Long An vẫn còn 01 trường hợp như vậy. Trước những vướng mắc trên, Ban quản lý cũng đã tích cực làm việc với địa phương nhưng do nhiều trường hợp vướng tranh chấp, tái định cư, kiện tụng… nên vẫn phải đang chờ tòa án xét xử. Các gói thầu phía Đông A5, A6, A7 (theo hợp đồng hoàn thành cuối năm 2020) qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn vướng mặt bằng của 170 hộ dân. Mặc dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vị trí mặt bằng được bàn giao không xuyên suốt hoặc không có đường tiếp cận nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai thi công của các nhà thầu.
Ngoài ra, việc điều chỉnh kỹ thuật ở một số địa điểm xử lý nền đất yếu, thay đổi địa hình (cầu Thị Vải) do địa hình lòng sông sâu hơn 15m so với khảo sát ban đầu nên buộc phải điều chỉnh lại thiết kế móng trụ dẫn tới mất nhiều thời gian. “Sau khi triển khai dự án, tỉnh Đồng Nai cũng có quy hoạch mới yêu cầu bổ sung cống chui, cầu vượt, đường gom dân sinh. Việc bàn giao mặt bằng chậm, rải rác khiến các nhà thầu không thể tập trung máy móc, nhân sự để thi công cùng lúc được”, ông Hùng phân trần.
Đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 67% tiến độ |
Công tác đảm bảo ATGT trên toàn dự án luôn được đặt lên hàng đầu nên hàng tuần, hàng tháng Ban quản lý đều triển khai họp đánh giá với nhà thầu, tư vấn giám sát. Trên tuyến QL1A, QL50, đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, các nhà thầu thi công triển khai lắp đặt biển cảnh báo, bố trí người hướng dẫn. Các tuyến đường địa phương cũng thường xuyên được đảm bảo môi trường. “Trên công trình, việc nhắc nhở, kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, hai gói thầu J1 và J3 thi công trên cao, trong điều kiện sông nước nên nhà thầu phải đào tạo công nhân trước khi vào làm việc. Năm 2018, trên toàn dự án không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo dự kiến, tháng 9/2019 Ban quản lý sẽ cố gắng thông xe kỹ thuật 21km đoạn phía Tây (nối từ Sài Gòn - Trung Lương đến nút giao đường Nguyễn Văn Tạo), đồng thời tiếp tục làm việc với các địa phương còn vướng mặt bằng, đôn đốc xử lý các vị trí còn chưa bàn giao, cố gắng bàn giao xong mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai nhằm hoàn thành phần nền để năm 2020 tiến hành thi công phần kết cấu mặt đường. Về phía TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ ưu tiên với địa phương xử lý các vị trí chính tuyến.
“Hiện nay, toàn dự án có khoảng hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân được chia làm hai ca thi công. Dự kiến, các nhà thầu đều nghỉ Tết theo quy định. Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị vật tư tập kết tại công trường để sau kỳ nghỉ Tết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Hùng nhấn mạnh.
Anh Phạm Văn Nam (42 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ: “Tôi làm ở công trình được hơn 01 năm, đây là tuyến cao tốc hiện đại nên đòi hỏi người làm việc phải có kỹ năng, chấp hành đúng quy định và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi khi vào ca, toàn bộ công nhân phải khởi động chân tay, đeo bảo hộ lao động đầy đủ trước khi nhận nhiệm vụ. Công việc này cần sự tập trung cao nên chúng tôi không thể lơ là vì nếu bất cẩn có thể xảy ra nguy hiểm. Gần Tết rồi nên chúng tôi ai cũng hăng say làm việc, đẩy nhanh tiến độ để được về quê ăn Tết, xum họp với gia đình”
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào tháng 7/2014 với chiều dài 57,7km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 02 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD). Trong đó, nguồn vốn vay ADB là 635,7 triệu USD, còn lại là vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.