Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cũng như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức 02 Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận với tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển trên cả nước, đồng thời nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả vận tải biển và cảng biển”.
Thứ trưởng cũng cho biết, Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm cũng như nhận được sự ủng hộ của rất nhiều các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển trên cả nước và Bộ Giao thông vận tải nhận được 166 câu hỏi và kiến nghị của các doanh nghiệp.
Theo Vụ trưởng Vu Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, Trong 166 câu hỏi và kiến nghị nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp trả lời tại Hội nghị và giải quyết dứt điểm 78 nội dung; đồng thời đang tiếp tục xử lý, giải quyết các nội dung còn lại.
Liên quan đến công tác triển khai mạng khai báo thủ tục điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm thủ tục cho tàu ra, vào cảng. Các kiến nghị tăng mức thu phí cầu bến để phù hợp với đầu tư xây dựng cơ bản, gia hạn thời gian nộp cảng phí và phí thủ tục… sẽ được nghiên cứu xem xét điều chỉnh phù hợp trong dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Ngoài ra, việc cấp Giấy phép vận tải nội địa đối với tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài chỉ được xem xét khi tàu biển Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu và đã được quy định tại Thông tư số 04/2012/TT- BGTVT của Bộ GTVT quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.
Đối với công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng một cách đồng bộ, nghiêm minh; đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu, các nhân viên, cán bộ, công chức trong hoạt động kiểm soát tải trọng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, thao túng cho việc vận chuyển hàng hóa quá tải trọng.
Năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành triển khai ký cam kết về thực hiện tải trọng phương tiện đến các doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, 63 địa phương đã tổ chức cho 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn hàng ký cam kết không xếp hàng lên xe quá tải trọng; về Cảng biển, đã có 206 doanh nghiệp ký cam kết, đạt 100% các doanh nghiệp khai thác cảng biển thuộc đối tượng ký cam kết; đối với cảng, bến thủy nội địa, đã có 3.857 cảng, bến thủy nội địa ký cam kết.
Bộ GTVT cũng đã có các văn bản đề nghị các Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Chủ tàu Việt Nam, Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics, Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam phổ biến đến các doanh nghiệp thành viên chấp hành nghiêm túc và tuyên truyền tới các chủ hàng thực hiện việc đóng hàng hóa vào công-ten-nơ không vượt quá tải trọng theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng tăng cường kiểm soát tải trọng container, kiên quyết không thực hiện xếp các container quá tải trọng cho phép lên tàu biển.
Tại hội nghị, đại diện của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản có nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình cước phí tăng đột biến trong vòng 8 tháng vừa qua. Đơn cử, 1 container tàu xuất đi Mỹ đã tăng giá từ 2300 USD trước đây lên tới 3900 USD hiện nay, và các doanh nghiệp vận tải biển cùng đồng loạt điều chỉnh giá, với trung bình 300 USD/ tháng; Phí chứng từ cũng sẽ tăng lên theo quy định mới áp dụng vào ngày 1/4. Ngoài ra, ông cũng nêu lên thực trạng về mức thu phí cân bằng container không hợp lý, từ 60 – 100 USD cho 1 container.
Trả lời những câu hỏi của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, Thứ trưởng Công cho biết, hiện tại nhà nước và Bộ GTVT không can thiệp và kiểm soát giá thành các mặt hàng nằm ngoài danh mục nhu yếu phẩm và an ninh quốc phòng. Cùng với chính sách để cho nền kinh tế tự điều tiết. Theo ông, việc tăng giá có thể bắt nguồn từ nguyên nhân các hoạt động của tàu biển Việt Nam mới chỉ gói gọn trong 1 số khu vực, còn phụ thuộc nhiều vào bạn hàng nước ngoài. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công cũng cam kết, trong trường hợp biểu hiện của nền kinh tế không lành mạnh, các cơ quan nhà nước sẽ điều tra và can thiệp cùng với những văn bản thông báo chính thức.
Liên quan đến những vấn đề thủ tục ra vào cảng biển, Ông Trần Văn Tề – Chủ tịch hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư – Giám đốc Cty TNHH Hoàng Phương có nêu ra những bức xúc về thủ tục hành chính liên quan đến tàu, thuyền viên khiến cho thời gian chờ tàu có thể lên tới 1 tháng. Ngoài ra, có một số cảng vụ nội địa có mức thu cao hơn các nơi khác khác tới nhiều lần, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cảng khác. Ngoài ra, ông cũng có kiến nghị về việc giảm thuế cho các doanh nghiệp vận tải biển từ mức 10% hiện nay xuống còn 5% đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hành nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Liên quan đến những kiến nghị của ông Tề, Thứ trưởng Công cho biết, các thủ tục hành chính trên hiện đang được tuân theo các quy định của bộ và nhà nước, về vấn đề sửa đổi bổ sung sẽ phải tiếp tục họp bàn và sẽ có câu trả lời cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Về vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sẽ phải tiến hành bàn bạc, thống nhất cả về mặt lợi thế cũng như vấn đề giảm thuế sẽ khiến giảm nguồn thu. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để có những chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với việc thu hút nguồn vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp vận tải biển, nếu doanh nghiệp chứng minh được kế hoạch kinh doanh khả thi, khả năng trả nợ cao, các ngân hàng sẽ xem xét cho vay và dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Thứ trưởng Công cho biết thêm.
Về một số giải pháp trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện triển khai Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chuyển dịch tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc Nam. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống biểu phí, lệ phí hàng hải; giá dịch vụ bốc xếp hàng hóa tại cảng biển; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất xử lý vấn đề các hãng tàu nước ngoài thu phụ cước bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam;Triển khai các giải pháp để thực hiện Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020. Thực hiện đề án “Huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và Tăng cường tổ chức các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; đẩy mạnh tiếp xúc doanh nghiệp, hiệp hội để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hà Vũ
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.