Phố "ông đồ" năm 2016 tiếp tục được tổ chức trong khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: Quý Đoàn. |
Hội chữ xuân Bính Thân với chủ đề Uống nước nhớ nguồn gồm 2 hoạt động chính là triển lãm thư pháp và viết chữ, sẽ diễn ra từ ngày 2/2 (tức 24 tháng Chạp năm Ất Mùi) đến 15/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân) tại khu vực hồ Văn, thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ban tổ chức sẽ bố trí 130 lều khung sắt xung quanh hồ để hơn 100 "thầy đồ" ngồi cho chữ.
Ngày 9-10/1 vừa qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức khảo tuyển các tác phẩm thư pháp trưng bày trong triển lãm và sát hạch "ông đồ". Trong 44 người tham dự, 8 người được cấp thẻ viết chữ tại hồ Văn trong 3 năm 2016-2018, 7 người được cấp thẻ năm 2016, số còn lại không đáp ứng yêu cầu. Riêng 100 người đỗ trong cuộc sát hạch năm ngoái được vào thẳng hồ Văn viết chữ.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu đánh giá chất lượng "ông đồ" trong cuộc sát hạch vừa qua tốt hơn năm ngoái, không còn trường hợp viết sai chữ, thiếu nét, hạn chế vốn từ, viết quá xấu... Mùa sát hạch năm trước, 70% "thầy đồ" đi thi bị trượt. Quy định mới của Ban tổ chức là những người đỗ chính thức sẽ được viết chữ tại hồ Văn trong 3 năm. Nhóm đỗ vớt chỉ được tham gia một mùa và năm sau nếu muốn sẽ phải thi lại.
Phố "ông đồ" trong hồ Văn năm 2015 thưa vắng người đến tham quan, xin chữ. Ảnh: Quý Đoàn. |
Giám đốc Kiêu cho biết, có thể năm nay sự tham gia của công chúng tại "phố ông đồ" vẫn chưa đông đúc bởi người dân đã quen cái "nết" tham quan phố này nơi vỉa hè Văn Miếu. Trước đó một số "ông đồ" đã viết đơn gửi UBND thành phố đề nghị tái lập phố ông đồ trên vỉa hè Văn Miếu. Tuy nhiên, với chủ trương "Năm trật tự văn minh đô thị", thành phố đã không đồng tình.
"Đưa các ông đồ vào hồ Văn là đúng đắn, để tránh tình trạng viết chữ sai, chặt chém khách, đóng đinh, dán giấy lên tường di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng như gây ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè. Sâu xa hơn là để phát huy nét văn hóa chơi chữ đầu xuân, nâng cao năng lực thẩm mỹ, hướng công chúng tới các giá trị truyền thống tốt đẹp", Giám đốc Trung tâm Văn Miếu nói.
Để thu hút du khách đến với "phố ông đồ" 2016, Ban tổ chức đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo điều kiện cơ sở vật chất, ánh sáng, kiên quyết ngăn chặn bán hàng rong ra vào làm mất mỹ quan. Bên cạnh việc cho - xin chữ, triển lãm thư pháp, Hội chữ xuân Bính Thân sẽ có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ hấp dẫn.
Giám đốc Trung tâm Văn Miếu khẳng định những trường hợp ban ngày viết chữ trong hồ Văn, chiều tối lại dọn hàng ra vỉa hè Văn Miếu nếu tái diễn như năm ngoái sẽ bị xử lý. "Họ có thể không được viết chữ trong năm tới", ông Kiêu nói.
Từ năm 2014, thành phố Hà Nội ra quy định cấm "ông đồ" cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu vì không đảm bảo an ninh trật tự, gây ách tắc giao thông, chất lượng người cho chữ không được kiểm soát, giá cả bị thương mại hóa, việc đóng đinh, căng lều bạt gây mất mỹ quan... Quy định này ban đầu gặp nhiều phản ứng. Năm 2014, sau khi vào hồ Văn cho chữ một thời gian, vì khách đến quá thưa vắng và không quen kiểu bó mình trong khung sắt che bạt, hàng loạt "thầy đồ" tái chiếm vỉa hè. Năm 2015, Hà Nội tiếp tục tổ chức "phố ông đồ" trong khu vực hồ Văn. Để tránh "vỡ trận" như năm trước, công tác chuẩn bị diễn ra sớm và kỹ càng hơn. Các "ông đồ" khắp Hà Nội và tỉnh thành lân cận được thông báo kế hoạch tổ chức và phải tham gia sát hạch để sàng lọc người đủ trình độ cho chữ. 70% "thầy đồ" thi năm ngoái bị trượt vì viết xấu, viết sai, vốn từ, vốn chữ ít. Khoảng 100 "ông đồ" được lựa chọn sau đó đã chấp hành ngồi viết chữ trong hồ Văn. Tuy nhiên, Hội chữ Xuân vẫn thưa vắng người tham quan, xin chữ. Một số "ông đồ" ban ngày ngồi trong khung sắt nơi hồ Văn, tối lại ra vỉa hè viết chữ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.