Qua sắp xếp, toàn tỉnh Hải Dương còn thiếu 2.554 giáo viên để thực hiện phần việc chưa có người đảm nhiệm (Ảnh: Lã Tiến). |
Ngày 4/9/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương có Thông báo số 1025 về phương án sắp xếp số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập sau khi rà soát và phương án giải quyết cho năm học 2018-2019.
Sắp xếp số lượng người làm việc
Từ cuối tháng 5/2018 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát, sắp xếp số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2018-2019.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, qua rà soát, số học sinh năm học 2018-2019 tăng 21.563 em, tương ứng tăng 726 lớp.
Qua sắp xếp tăng số học sinh/lớp thì năm học này, số lớp trên toàn tỉnh Hải Dương chỉ tăng 489 lớp học.
Ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết, căn cứ vào số lớp đã sắp xếp, số lượng giáo viên, nhân viên biên chế hiện có và chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2018-2019, các trường mầm non, phổ thông đã sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho giáo viên, nhân viên biên chế.
Theo đó, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho giáo viên biên chế tối đa định mức số tiết (giờ)/tuần;
Sắp xếp nhân viên biên chế đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm phù hợp theo nguyên tắc giảm tối đa số nhân viên để ưu tiên biên chế cho giáo viên.
Qua sắp xếp, khối lượng công việc phân công cho giáo viên, nhân viên biên chế thực hiện ở các cấp học đều vượt quy định.
Cụ thể, giáo viên mầm non bình quân dạy 41,14 giờ/tuần (vượt 1,14 giờ/tuần); giáo viên tiểu học vượt 3,85 tiết/tuần; giáo viên Trung học cơ sở vượt 0,8 tiết/tuần và giáo viên Trung học phổ thông vượt 0,47 tiết/tuần.
Bên cạnh đó, nhân viên biên chế các cấp học đều vượt định mức lao động 40 giờ/tuần, trong đó nhân viên ở cấp học mầm non vượt nhiều nhất (1,96 giờ/tuần).
Qua sắp xếp xác định được 55 giáo viên và 41 nhân viên (biên chế) dôi dư do chuyên môn đào tạo không phù hợp, hoặc thừa cơ cấu; có 295 giáo viên chưa đủ định mức lao động theo quy định.
Theo ông Hưng, trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã điều động 28 giáo viên và 7 nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu; bố trí cho 102 giáo viên và 12 nhân viên làm việc liên cấp, liên trường.
Ông Đỗ Duy Hưng cho biết thêm, qua rà soát, số lao động hợp đồng dôi dư (vượt định mức số lượng người làm việc được giao năm 2018) là 1.540 người, trong đó có 1.212 giáo viên và 328 nhân viên.
Trong khi đó, sau khi đã sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho giáo viên, nhân viên biên chế và lao động hợp đồng trong định mức số lượng người làm việc được giao năm 2018, toàn tỉnh Hải Dương vẫn còn 85.033 tiết (giờ) dạy/tuần chưa có giáo viên đảm nhiệm.
Đồng thời còn 8.858 giờ làm việc/tuần của nhân viên chưa có người đảm nhiệm.
Theo ông Hưng, với khối lượng công việc như vậy, toàn tỉnh Hải Dương còn cần thêm 2.554 giáo viên và 89 nhân viên.
Sử dụng lại giáo viên hợp đồng
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh này cho phép sử dụng lại số giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã bị dừng trả lương từ tháng 1/6/2018.
Theo đó, sở đề nghị cho các trường mầm non, phổ thông công lập tiếp tục ký hợp đồng lao động với 1.212 giáo viên đã hợp đồng của năm học trước, để thực hiện phần công việc còn lại chưa có người đảm nhiệm.
Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thẩm định khối lượng công việc còn lại chưa có người đảm nhiệm và số giáo viên hợp đồng lao động của từng cơ sở giáo dục trực thuộc, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Sở cũng đề xuất khoán kinh phí cho các trường mầm non, phổ thông công lập để thanh toán tiền giảng dạy của giáo viên thực hiện nhiệm vụ.
Tỉnh Hải Dương đồng ý cho sử dụng lại hơn 1.200 giáo viên hợp đồng bị dừng trả lương từ 1/6/2018 (Ảnh: Lã Tiến) |
Theo đó, mức khoán cụ thể như sau: giáo viên mầm non 29 nghìn đồng/giờ; giáo viên tiểu học 50 nghìn đồng/tiết; giáo viên trung học cơ sở 61 nghìn đồng/tiết và 69 nghìn đồng/tiết đối với giáo viên Trung học phổ thông.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, thời gian thực hiện khoán kinh phí trong 9 tháng (từ 1/9/2018 đến 31/5/2019).
Ngày 4/9 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã đồng ý với kết quả rà soát, sắp xếp số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo, sở Nội vụ, Sở Tài chính đề xuất trên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo, việc bố trí sắp xếp người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải bảo đảm nguyên tắc: mọi trẻ em đến tuổi đều được đến trường.
Các giáo viên giảng dạy đều được trả công và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có quyền tự chủ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng đồng ý bố trí kinh phí để các trường mầm non, phổ thông công lập thanh toán tiền giảng dạy cho giáo viên hợp đồng.
Đồng thời, rà soát, thẩm định lại số giáo viên hợp đồng đã thực hiện nhiệm vụ các năm học trước, nếu thực hiện theo đúng quy định và đáp ứng được nhu cầu thì tiếp tục kéo dài hợp đồng.
Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phương án tổng thể để bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên; rà soát xem địa phương, cấp học nào thừa, thiếu giáo viên; đồng thời tạo cơ chế để thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, hơn 1.200 giáo viên hợp đồng ở tỉnh Hải Dương vẫn đang sống lay lắt, mỏi mòn chờ quyết định về tương lai của mình, trong khi đó nhiều giáo viên đã cất bằng khen, giấy chứng nhận dạy giỏi để tìm kế mưu sinh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.