Theo lãnh đạo VATM, hiện nay, lưu lượng hoạt động bay trong 2 vùng thông báo bay Hà Nội (FIR HAN) và Hồ Chí Minh (FIR HCM) có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, vượt quá các con số dự báo.
Cụ thể, tại thời điểm năm 2009, dự báo sản lượng điều hành bay năm 2015 là 480.000 lần chuyến nhưng thực tế sản lượng điều hành bay năm 2015 là 640.000 lần chuyến (tăng 33% so với mức dự báo và vượt mức dự báo sản lượng điều hành bay năm 2020 là 631.000 lần chuyến). Đến hết năm 2017, sản lượng điều hành bay đã đạt 800.000 lần chuyến (gần với mức dự báo sản lượng điều hành bay năm 2030 là 1 triệu lần chuyến).
“Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự kiến năm 2020 sản lượng điều hành bay khoảng 1 triệu lần chuyến và năm 2030 sản lượng điều hành bay sẽ vượt 1,8 triệu lần chuyến, gần gấp đôi con số dự báo năm 2009,” lãnh đạo VATM đưa ra con số so sánh thực tế.
Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng điều hành bay, phía VATM nhìn nhận nhu cầu về ứng dụng các công nghệ mới và yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn trong bối cảnh tình hình mới cũng đòi hỏi phải có sự mở rộng, bổ sung và thay đổi đáp ứng được yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới trong việc nâng cao năng lực, an toàn cũng như chất lượng trong công tác điều hành bay.
Đối với FIR HCM, Trung tâm Kiểm soát đường dài, tiếp cận (AACC HCM) đã được đưa vào khai thác từ năm 2006, đến nay đã hơn 10 năm, các hệ thống thiết bị đã bắt đầu hết tuổi thọ, công nghệ đã lạc hậu một phần, các hệ thống hạ tầng, trang thiết bị đã bắt đầu xuống cấp. Trong khi đó, công nghệ, trang thiết bị trong lĩnh vực hàng không trên thế giới đã có các bước tiến lớn nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Vì vậy, VATM dự kiến chi phí đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh (ATCC HCM) mới là 1.407 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và vốn vay thương mại.
Nếu được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và thông qua, VATM đưa ra lộ trình thời gian thực hiện dự án từ quý 1/2018 - quý 4/2021./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.