Hơn 2 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/02/2022 12:30

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

fh-6761-1642049418
Toàn bộ trạm thu phí đủ điều kiện trên toàn quốc đã đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (Ảnh ảnh minh họa) 

Đã có 113 trạm thu phí điện tử không dừng

Theo báo cáo của Bộ GTVT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này tất cả các trạm thu phí đủ điền kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Cụ thể, đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; trong đó có 69 trạm do Bộ GTVT quản lý 69 trạm, 44 trạm do địa phương quản lý.

Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tại văn bản số 10943/VPCP-CN ngày 29/12/2020.

Bộ GTVT đánh giá, hệ thống thu phí điện tử không dừng do nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ kết nối, các phương tiện tham gia giao thông chỉ cần dán 1 thẻ đầu cuối có thể qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Hệ thống nạp tiền, trả tiền được đa dạng hóa với nhiều hình thức nạp tiền như áp dụng ví điện tử, kết nối liên ngân hàng giúp chủ phương tiện chủ động trong việc nộp tiền, quản lý tài khoản giao thông trong quá trình tham gia dịch vụ.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng đưa vào hoạt động góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu đã tạo được sự thuận tiện và niềm tin cho người tham gia giao thông thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ ngày càng tăng cao với khoảng hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ, doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý 1/2021 lên đến 50% trong quý 4 năm 2021.

Mặc dù vậy, do hệ thống lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ cần tiếp tục phải hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới như: xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng…

Thí điểm thu phí ETC tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thực hiện các chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 27/10/2021, Bộ GTVT đã triển khai các làn thu phí còn lại bảo đảm tại mỗi trạm thu phí duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp. Hiện trong 113 trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng có 63 trạm đã lắp đặt 100% các làn thu phí điện tử không dừng.

Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới cần lắp thêm 126 làn thu phí, trong đó 42 làn thuộc các trạm do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, 84 làn thuộc các trạm do địa phương là cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT là Cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đã làm việc cụ thể với từng Nhà đầu tư BOT và Nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng các làn thu phí còn lại tại các trạm thu phí, phấn đấu hoàn thành trong Quý I/2022.  

Đối với các trạm thu phí do các địa phương là Cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc và làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý (VEC), trên cơ sở phương án đề xuất của VEC, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc. Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, các dự án này do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn, do vậy việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc do VEC quản lý cần có thời gian nhất định và được thực hiện từng bước theo quy định pháp luật. Dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trong Quý I/2022, tổ chức lắp đặt, vận hành hệ thống trong Quý II/2022.

Ngoài ra, về việc lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn tuyến cao tốc triển khai thí điểm trên trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và quyền đi lại của người dân. Trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự thống nhất của Nhà đầu tư/DNDA, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng và dự kiến sẽ chính thức áp dụng thí điểm trong tháng 6/2022.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Nhà đầu tư dự án, Cục Cảnh sát giao thông và các địa phương tuyến cao tốc đi qua tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới chủ các phương tiện trước khi triển khai thực hiện thí điểm." - Bộ GTVT cho hay.

Phấn đấu số lượng giao dịch ETC tại các trạm đạt 80-90%

Về việc tăng cường công tác dán thẻ, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng, theo Bộ GTVT việc này rất khó khả thi do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan dẫn đến có nhiều phương tiện không có nhu cầu dán thẻ như các phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, các phương tiện thuộc vùng không có các trạm thu phí hoặc các phương tiện ít đi qua các trạm thu phí. 

"Thời gian qua Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, đa dạng hóa nhiều hình thức nạp tiền vào tài khoản giao thông; mở rộng nhiều điểm dán thẻ, ngoài các điểm dán thẻ cố định tại các trạm thu phí, trạm đăng kiểm, các Nhà cung cấp dịch vụ tổ chức dán thẻ trực tiếp tại các cơ quan, bộ ngành, các khu chung cư,… Tuy nhiên đến thời điểm này mới có khoảng 2,4 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm hơn 50% tổng số phương tiện trên toàn quốc." - Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt nam làm việc cụ thể với từng địa phương, căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ đảm bảo phấn đấu trong năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí đạt từ 80-90%.

Ý kiến của bạn

Bình luận