Hơn 2.000 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến do kỹ thuật của hãng hàng không

Giao thông 24h 13/07/2016 16:01

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), 6 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 128.000 chuyến bay, số chuyến bay bị chậm chiếm 15,8% và chuyến bay bị hủy chiếm 0,6%.

Hơn 2.000 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến
Hơn 2.000 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến do kỹ thuật của hãng hàng không

Lý giải về sự tăng tỉ lệ chậm chuyến này, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, so với cùng kỳ năm 2015, số chuyến bay thực hiện của các hãng tăng gần 27.000 chuyến, tương ứng với 26,5%  chuyến bay thực hiện, tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 1,3%.

Số chuyến bay bị chậm, hủy do kỹ thuật của các hãng hàng không là 2.086 chuyến (chiếm tỷ lệ 1,6%); do trang thiết bị tại cảng hàng không là 1.250 chuyến (tỷ lệ 1%); do thời tiết là 386 chuyến (tỷ lệ 0,3%) còn lại là do tàu bay về muộn.

Về nguyên nhân gây chậm hủy chuyến bay, theo thống kê của Cục Hàng không, nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,3% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. Tuy nhiên, so với năm 2015, nguyên nhân này đã giảm mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng cao.

Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điểu hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới 11,3% trên tổng số chuyến bay chậm.

“Điều này có thể lý giải là do các tàu bay phải bay chờ tại cảng Tân Sơn Nhất vì mật độ cao”, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.

Về tổng thể, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, cảng hàng không chiếm gần 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền cho các chuyến bay kế tiếp. 

Về xử lý khi chuyến bay bị chậm, hủy, các hãng hàng không đã tăng cường các biện pháp bảo đảm kỹ thuật tàu bay để hạn chế chậm, hủy chuyến vì lý do kỹ thuật; chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn cảng hàng không để xử lý các vấn đề liên quan đến khai thác; thực hiện nghiêm trách nhiệm của nhà vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy; đẩy mạnh việc khảo sát, lấy ý kiến của hành khách về chất lượng dịch vụ và có các chương trình đào tạo phục vụ hành khách, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên...

Trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến hành khách theo các tiêu chí về các dịch vụ hành khách ở tất cả các khâu từ đặt chỗ, bán vé, thủ tục hành khách, phòng chờ, hành lý, Vietnam Airlines đạt 5,52/7 điểm hài lòng của hành khách, VietJet có 94,1% khách phản hồi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận