Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. |
Thực hiện nhiệm vụ “Xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ” thuộc Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị cùng tổ chức chuỗi sự kiện “Chợ Công nghệ - thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2019 (Techmart – Techfest Mekong 2019) tại TP Cần Thơ.
Techmart – Techfest Mekong 2019 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với mục tiêu trưng bày và giới thiệu các kết quả KH&CN nổi bật của các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, các nhà khoa học, các nhà sáng chế không chuyên nhằm tạo lập môi trường gắn kết KH& CN với sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ và sản phẩm tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của các tỉnh vùng ĐBSCL.
Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường của các tỉnh vùng ĐBSCL với các tỉnh, thành trong nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL rất sôi nổi
Trao đổi với PV sau sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Tại hội chợ tôi đã đi tham quan một loạt các gian hàng các doanh nghiệp khởi nghiệp và thấy có rất nhiều ý tưởng tốt. Điều quan trọng ở đây là ý tưởng phải xuất phát từ đời sống, từ thực tiễn, từ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tôi có trao đổi với một bạn trẻ có suy nghĩ về việc thay đổi trồng lúa bằng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đó là chè. Hiệu quả cao hơn là do cách thức sản xuất thay đổi. Như vậy, một ý tưởng mới với một cách thức sản xuất mới cũng trên cùng một diện tích đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với trồng lúa hiện nay, đem lại lợi ích cho chính người trồng, tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Thứ trưởng Tùng cũng khẳng định, hoạt động KH&CN của vùng ĐBSCL khá sôi động.“ĐBSCL có Viện lúa Ô Môn. Viện trưởng Viện lúa cho chúng tôi biết, cơ bản hiện nay ở Viện lúa có 200 ha chuyên để sản xuất giống cung cấp cho cả vùng này. Tất nhiên Viện lúa Ô Môn chưa cung cấp đủ nhưng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu về giống. Theo các cán bộ ở Viện, họ đã nghiên cứu được giống lúa chịu được mặn 4 phần nghìn. Điều đó giúp cây lúa thích nghi tốt hơn với sự biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.
Viện lúa ĐBSCL đã và đang tạo ra nhiều giống lúa mới và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra năng suất, chống chọi với sâu bệnh. Chúng tôi đánh giá rất cao công sức của các nhà khoa học và sự đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở đây. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy dần dần những kết quả ấy được chuyển giao, áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo những bước chuyển mới giúp cho kinh tế xã hội của Cần Thơ nói riêng vùng ĐBSCL nói chung phát triển một cách bền vững”, Thứ trưởng Tùng chia sẻ.
Nhiều dự án khởi nghiệp có ý tưởng mới mẻ
Trao đổi thêm về các dự án khởi nghiệp ở Techfest Mekong, Thứ trưởng Tùng cho hay, trong khuôn khổ Techfest Mekong còn có rất nhiều ý tưởng, dự án được đem đến Cuộc thi chung kết. Những ý tưởng, dự án đạt giải Nhất, giải Nhì của vùng ĐBSCL sẽ được tham gia cuộc thi tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019 (Techfest Vietnam 2019), dự kiến diễn ra từ ngày 4-6/12 tại Quảng Ninh. Như vậy, những ý tưởng tốt nhất của mỗi vùng sẽ có cơ hội tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia với quy mô lớn hơn nhiều.
“Chúng tôi sẽ mời chuyên gia nước ngoài cùng tham dự để xem xét, đánh giá những ý tưởng nào hay cần vốn từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trên thế giới. Chúng tôi cũng mời các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài đến Techfest Vietnam 2019 để tìm hiểu, tiến tới kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Thứ trưởng Tùng nói.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cũng cho biết thêm, các dự án startup lần này có chất lượng rất tốt, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng từ nông nghiệp, thủy hải sản. Và giải quyết những vấn đề từ các doanh nghiệp của địa phương đã và đang gặp phải cũng như các vấn đề gặp phải của bà con nuôi trồng hải sản, các em học sinh, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, ứng dụng 4.0 và các dự án xanh cũng đã được nhiều các bạn quan tâm từ các trường đại học trong vùng như Cần Thơ, An Giang,… các em đã biết làm việc nhóm, kết hợp với các giảng viên của các trường đại học với doanh nghiệp, doanh nhân, những công trình, dự án mang đậm “hơi thở” cuộc sống.
“Điểm mạnh của các startup ĐBSCL đó là giải quyết được những thực tiễn của địa phương gắn với thế mạnh của vùng như đã nói ở trên (du lịch, thủy hải sản). Tuy nhiên, vẫn phải cải thiện mô hình kinh doanh làm sao phải tăng trưởng nhanh hơn không lặp lại mô hình kinh doanh ở nơi khác. Thứ hai là phát huy được ở thị trường của mình tốt hơn. Hiện nay, phần lớn các dự án chỉ giải quyết được phạm vi cụ thể, từ một trường đại học, doanh nghiệp cụ thể mà chưa mở rộng ra, đóng gói được cái mô hình của mình, chuyển giao cho doanh nghiệp, nhà trường, địa phương khác triển khai thì nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn”, ông Quất phân tích.
Cũng theo ông Quất, startup vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng có tố chất của các doanh nhân, đầy lòng đam mê, nhiệt huyết nghiên cứu khoa học, nhưng họ cần tiếp cận nhiều hơn với các nhà đầu tư, các metor (các huấn luyện viên) dường như các metor, doanh nghiệp mới quan tâm chừng mực, do vậy, cần tiếp tục có các cơ chế tạo điều kiện cho các sinh viên có thể tiếp cận với các doanh nhân, metor thành đạt nhiều hơn để họ bước ra thị trường có thể xây dựng cho mình mô hình kinh doanh thành công và có thể nhân rộng trong thời gian tới.
“Giấy dừa Bến tre” đạt giải nhất cuộc thi đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL Vượt qua 15 dự án đến từ các tỉnh thành vùng ĐBSCL, Dự án “Giấy dừa Bến Tre” đã đạt giải nhất cuộc thi đổi mới sáng tạo. Tác giả Dự án “Giấy dừa Bến Tre” Ngô Thị Hoàng Oanh, Công ty Escoco Việt Nam cho biết, dự án sản xuất giấy từ xơ dừa hoặc tàu dừa nước hoặc dừa cạn. Mục đích sản phẩm này là muốn nhân rộng mô hình sản xuất giấy dừa để cho nông dân ở khu vực miền Tây nói riêng và các khu vực nông thôn khác nói chung. “Cây dừa nước là cây của vùng nước lợ ngập mặn, nó không có giá trị kinh tế cao, em muốn khai thác giá trị cây dừa để tạo thêm thu nhập, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Giấy dừa được ứng dụng trong mỹ thuật, trang trí nội thất, em muốn phát triển giấy dừa để đưa vào sử dụng rộng rãi để trong sản xuất bao bì để thay thế giấy tái chế và giấy nhập khẩu”, Hoàng Anh chia sẻ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.