Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2008, xe công nông bị đình chỉ lưu hành. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, trên ĐT378 đoạn qua xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (Hưng Yên), chỉ trong 30 phút có tới chục xe công nông ngang nhiên chở cát "có ngọn" chạy trên đường. Do xe chở nặng, chạy chậm nên rất nhiều xe tải, xe khách đang chạy tốc độ cao phải phanh gấp để tránh chiếc xe này.
Tương tự, xe công nông chở cát vượt tải trọng, quá khổ còn diễn ra khá phổ biến trên ĐT378 đoạn qua các xã Xuân Quan, Phụng Công..
Điều đáng nói, khi tham gia giao thông, các xe này thường xuyên lạng lách, đánh võng trên đường. Trên xe lại không được trang bị đèn xi nhan, thậm chí nhiều xe còn không có đèn chiếu sáng, không gương chiếu hậu. Do đó, mỗi khi muốn rẽ sang đường, tài xế thường dùng một tay xin ra hiệu, tay còn lại cầm vô - lăng, xe lại chở nặng khiến nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
"Đây là những phương tiện do người dân tự chế, chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng. Khi lưu thông trên đường, các xe này thường không tuân thủ quy định đảm bảo ATGT gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác khi tham gia giao thông, gây ô nhiễm cao cho môi trường”, anh Tuân, một người dân xã Liên Nghĩa nói.
Chị Nguyễn Thu Nga, xã Phụng Công bức xúc, đoạn đường ĐT378 rẽ xuống trung tâm thị trấn Văn Giang vốn phức tạp do các xe tải trọng lớn né trạm thu phí trên quốc lộ 5 đổ vào đường này, lại thêm sự xuất hiện của những chiếc công nông tự chế thường chở vật liệu xây dựng rất nguy hiểm. “Ra đường nhìn thấy các xe này là sợ, tránh được là tránh ngay, chứ xe tự chế chả có tiêu chuẩn kỹ thuật gì, chỉ sợ bị vạ lây do tai nạn giao thông”, chị Nga nói.
Liên quan tới vấn đề này, sáng cùng ngày, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, một lãnh đạo Đội CSGT huyện Văn Giang cho biết, đường tỉnh 378 thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng CSGT tỉnh Hưng Yên và Đội CSGT huyện Văn Giang. Theo phân cấp, mỗi tuần, chúng tôi chỉ có 1-2 buổi xử lý vi phạm trên tuyến. Do vậy, việc phát hiện, xử lý các xe công nông vi phạm còn nhiều hạn chế.
Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển, vận hành các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt trái quy định pháp luật. Ngoài ra người nào điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Trong trường hợp xe tự chế gây ra tai nạn cho người khác, người điều khiển sẽ phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc bồi dưỡng phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút do thiệt hại cho nạn nhân. Nếu gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.