Hướng dẫn thử, kiểm tra định kỳ hàng năm thiết bị Satellite EPIRB 406MHz

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 24/07/2019 11:52

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng trong ngành Hàng hải, đặc biệt là các thiết bị dẫn đường, xác định vị trí, thông tin liên lạc. Bên cạnh các thiết bị được lắp đặt trên tàu biển như Inmarsat, GPS…, phao cấp cứu EPIRB 406 MHz cũng được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) khuyến cáo sử dụng và bắt buộc trang bị đối với một số loại tàu, thuyền hoạt động trên biển.

 

tim kiem cuu nan 1
 

Phao EPIRB 406 MHz là loại phao phát tín hiệu vô tuyến, sử dụng công nghệ vệ tinh của hệ thống Cospas-Sarsat. Đây là hệ thống vệ tinh được thiết kế để thu nhận các báo động cấp cứu về dữ liệu vị trí để trợ giúp các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Hiện nay, hệ thống Cospas-Sarsat đang sử dụng phao EPIRB hoạt động ở tần số 406 MHz thay cho phao EPIRB 121.5 MHz. Phao EPIRB được thiết kế có thể được kích hoạt tự động hoặc nhân công. Khi được kích hoạt, phao EPIRB sẽ phát tín hiệu lên vệ tinh để chuyển tiếp về trạm mặt đất (LUT) xử lý và từ đó sẽ xác định được vị trí của phao. Do vậy, phao được lắp trên tàu để các đơn vị tìm kiếm cứu nạn có thể xác định được vị trí tàu trong trường hợp khẩn cấp như tàu gặp sự cố, tai nạn hoặc chìm.

Do có tầm quan trọng đối với công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển nên phao EPIRB được trang bị trên tàu phải thường xuyên được bảo trì bảo dưỡng, thử và bảo quản đúng cách sao cho luôn ở chế độ sẵn sàng khi tàu hành trình trên biển. Bài viết sẽ hướng dẫn cách thử định kỳ hàng năm thiết bị vệ tinh phao EPIRB 406MHz theo khuyến cáo MSC.1/Circ.1040/Rev.1 của IMO ban hành ngày 25/5/2012. Theo đó, IMO nêu rõ việc thử hàng năm thiết bị vệ tinh EPIRB 406MHz được yêu cầu trong lần sửa đổi SOLAS IV/15.9 và việc thử nên sử dụng các thiết bị phù hợp có khả năng thực hiện được tất cả các phép đo được yêu cầu trong hướng dẫn. Nếu có thể, tất cả việc kiểm tra các thông số điện nên được thực hiện ở chế độ tự kiểm tra (self-test mode).

tim kiem cuu nan
 

 Các bước kiểm tra bao gồm:

1. Kiểm tra vị trí và việc lắp EPIRB về khả năng tự nổi của phao.

2. Kiểm tra xem dây treo có chắc chắn trong điều kiện tốt; dây treo nên được xếp gọn gàng và không được buộc chặt vào tàu hoặc khung treo.

3. Thực hiện việc kiểm tra bằng mắt thường xem có hỏng hóc nào không.

4. Tiến hành chế độ tự kiểm tra thông thường.

5. Kiểm tra số nhận dạng của phao EPIRB (15 Hex ID và những thông tin được yêu cầu khác) có được hiển thị rõ phía bên ngoài của thiết bị.

6. Giải mã 15 số nhận dạng Hexadecimal của phao (15 Hex ID) và những thông tin khác từ tín hiệu được phát đi từ phao, kiểm tra xem các thông tin sau khi được giải mã (15 Hex ID hoặc số nhận dạng MMSI/hô hiệu, được yêu cầu bởi cơ quan quản lí) có giống với số nhận dạng được ghi trên phao.

7. Kiểm tra xem số nhận dạng hàng hải MMSI đã được mã hóa của phao EPIRB có khớp với số nhận dạng hàng hải MMSI đã được ấn định cho tàu.

8. Kiểm tra việc đăng ký phao thông qua tài liệu hoặc các điểm liên lạc  dựa trên mã nước.

9. Kiểm tra thời hạn sử dụng của pin.

10. Kiểm tra bộ nhả thủy tĩnh và hạn sử dụng.

11. Khi kiểm tra chế độ phát xạ của phao trên dải 406MHz sử dụng chế độ tự kiểm tra hoặc với thiết bị phù hợp tránh việc phát tín hiệu khẩn cấp lên vệ tinh.

12. Kiểm tra xem phao EPIRB đã được duy tu bảo dưỡng bởi một nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng trên bờ được cấp phép trong những khoảng thời gian quy định theo yêu cầu của cơ quan quản lý hành chính chưa.

13. Sau khi kiểm tra xong, đặt phao EPIRB lên giá treo của nó, kiểm tra lại để chắc chắn rằng EPIRB không phát xạ tín hiệu.

14. Kiểm tra xem có tài liệu hướng dẫn sử dụng của phao không.

Đã có nhiều vụ tai nạn trên biển xảy ra do chủ quan của con người trong việc sử dụng các thiết bị vô tuyến điện trên tàu, trong đó có thiết bị vệ tinh phao EPIRB. Như chúng ta đã biết, vào tháng 12/2011 tàu Vinalines Queen - một con tàu hiện đại bậc nhất Việt Nam thuộc Công ty Vận tải biển Vinalines đã chìm tại vùng biển Đông Bắc Philippines. Vụ việc đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các chuyên gia trong ngành Hàng hải. Trong đó, câu hỏi lớn nhất là tại sao phao EPIRB trên tàu lại không phát tín hiệu cấp cứu khi tàu gặp sự cố? Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể là do phao bị mất, hỏng, đặt phao không đúng vị trí nên phao không tự nổi, phao đặt ở chế độ thử…, tất cả đều có thể dẫn đến việc phao không hoạt động. Nếu phao EPIRB trên tàu hoạt động bình thường thì việc xác định vị trí con tàu sẽ không mất nhiều thời gian như thế.

Để có những hải trình an toàn, chúng ta nên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống các thiết bị trên tàu sao cho các thiết bị này luôn ở trong chế độ sẵn sàng hoạt động.

Trên đây là một số hướng dẫn cho những người đi biển về việc thử hàng năm thiết bị vệ tinh phao EPIRB 406MHz được khuyến cáo cho các chủ tàu và các công ty tàu biển áp dụng. Nếu cần biết thêm thông tin về phao EPIRB-406 MHz, về hệ thống Cospas-Sarsat, hãy gọi điện tới số  00842253822181 nếu gọi từ nước ngoài về và 0225313822181 nếu bạn ở trong nước. Đây là số điện thoại trực canh liên tục của Trung tâm Điều hành thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat tại Việt Nam

Ý kiến của bạn

Bình luận