Huy động công an xã bảo đảm TTATGT nông thôn

Hoạt động Ban ATGT 29/03/2016 06:30

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT vùng nông thôn chiếm khoảng 25% đến 30% trong tổng số các vụ TNGT xảy ra trên toàn quốc, cá biệt có nhiều nơi, TNGT nông thôn chiếm trên 50% trong tổng số vụ TNGT xảy ra, nhiều địa phương trở thành địa bàn nóng.

images859073_cong_an_x__Ea_kao_BMT
Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn. Ảnh: Thế Hùng

Hiện cả nước có trên 170.000km đường liên xã, liên thôn, chiếm 79% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ cả nước, gắn bó chặt chẽ với đời sống dân sinh và hoạt động kinh tế của gần 80% dân số. Tuy nhiên, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân cũng như công tác quản lý nhà nước về TTATGT tại những địa bàn này còn nhiều bất cập, hầu hết các địa phương chưa bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TTATGT trên những tuyến đường liên xã, liên thôn. Do đó, tình hình TTATGT trên đường liên xã, liên thôn cũng khá phức tạp, vi phạm pháp luật về TTATGT diễn ra phổ biến, xảy ra nhiều vụ TNGT, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT vùng nông thôn chiếm khoảng 25% đến 30% trong tổng số các vụ TNGT xảy ra trên toàn quốc, cá biệt có nhiều nơi, TNGT nông thôn chiếm trên 50% trong tổng số vụ TNGT xảy ra, nhiều địa phương trở thành địa bàn nóng.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT trực tiếp làm công tác tuần tra, kiểm soát của cả nước chỉ có hơn 10.000 đồng chí chịu trách nhiệm chính bảo đảm TTATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, một phần xuống được đến đường huyện, còn các tuyến đường liên xã, liên thôn của 9.595 xã, thị trấn thì hầu như chưa thể quán xuyến nổi, dẫn đến tình trạng nhiều năm qua, địa bàn các tuyến đường liên xã, liên thôn còn bị “bỏ ngỏ”, vi phạm TTATGT và TNGT diễn ra phức tạp. Trong khi lực lượng công an xã, thị trấn đông đảo với tổng số trên 113.000 người (đông gấp 12,5 lần lực lượng CSGT chính quy) chưa được huy động vào công tác bảo đảm TTATGT ở địa bàn cơ sở.

Trước thực trạng trên, năm 2005, công an một số tỉnh, thành phố, điển hình là Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng công an xã tham gia bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường liên xã, liên thôn. Quá trình tổ chức thực hiện, lực lượng công an xã đã góp phần tích cực vào công tác bảo đảm TTATGT nói chung và trên các tuyến đường liên xã, liên thôn nói riêng, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương nên việc huy động công an xã tham gia bảo đảm TTATGT vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng, chưa rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập và thống nhất trong tổ chức thực hiện, qua công tác khảo sát thực tế và tổng kết, rút kinh nghiệm, Bộ Công an đã có Công văn số 1207/BCA-C11 chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng công an xã tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Qua thời gian thực hiện, công an xã và các lực lượng được huy động đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác bảo đảm TTATGT vùng giao thông nông thôn, được thể hiện rõ nhất trong các nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân, người thân tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT; nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm các trường hợp vi phạm ngay tại cơ sở xã, phường, thị trấn; phối hợp tuần tra an ninh với tuần tra kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè; phối hợp xử lý các vụ TNGT…

Để tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo đảm TTATGT cho các lực lượng, việc huy động công an xã và các lực lượng cảnh sát khác tham gia công tác bảo đảm TTATGT đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Điều 87), Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 27/2010/NĐ-CP ngày 24/03/2010 quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BCA ngày 02/7/2011 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/CP.

Nghị định 27/CP được ban hành đã huy động được sức mạnh tổng hợp toàn lực lượng công an cùng các cơ quan chức năng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm TTATGT một cách toàn diện từ các tuyến đường liên thôn, liên xã cho đến các tuyến quốc lộ trên toàn quốc.

Qua kết quả đạt được, với sự theo dõi, đánh giá tổng kết, việc Bộ Công an tổ chức huy động lực lượng công an xã và các lực lượng cảnh sát khác tham gia công tác bảo đảm TTATGT là một chủ trương quan trọng của Bộ Công an, góp phần từng bước xã hội hóa công tác bảo đảm TTATGT tại địa bàn nông thôn và các khu vực dân cư, làm chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Người tham gia giao thông đã được kiểm soát ngay từ cơ sở. Ở nhiều nơi, các vi phạm TTATGT đã được ngăn chặn ngay từ thôn, xóm, bản, làng, nhất là các hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách đánh võng, chở quá số người quy định, xe không đăng ký, người điều khiển không có giấy phép lái xe… đã được kiểm soát và xử lý kiên quyết hơn. Qua đó, trật tự kỷ cương chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông từng bước được thiết lập, TNGT được kiềm chế, nhiều địa phương giảm cả 3 tiêu chí so với cùng thời gian trước đó.

Lực lượng công an xã của hầu hết các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT. Công tác tuyên truyền đã được tiến hành thường xuyên, tích cực với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phù hợp với đối tượng, địa bàn khác nhau, nhất là học sinh, thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng giải tỏa, cưỡng chế, xử lý các vi phạm về hành lang ATGT.

Công an xã là lực lượng đông đảo ở cơ sở, sau khi được tập huấn và trang bị có khả năng tiếp cận, đi sâu nắm tình hình an ninh trật tự nói chung, TTATGT nói riêng ở khu vực cộng đồng dân cư, kiểm soát tình hình TTATGT khép kín địa bàn, góp phần giảm bớt “gánh nặng” cho lực lượng CSGT đang còn thiếu nhiều về biên chế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia bảo đảm TTATGT vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: Ở một số đơn vị chưa được tập trung và quyết liệt, nhất là đối với các huyện miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa. Ở một số nơi, Đảng ủy, UBND chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chủ yếu giao cho lực lượng công an thực hiện. Một số nơi chưa triển khai, chưa làm sâu rộng và chưa thực sự có hiệu quả. Công an xã đa số chưa được đào tạo cơ bản, trình độ hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ còn hạn chế, thời gian tập huấn chưa nhiều, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, hơn nữa công tác bảo đảm TTATGT trong đó có nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm của công an xã, thị trấn là công việc mới, thiếu kinh nghiệm nên quá trình thực hiện còn lúng túng, khó tránh khỏi thiếu sót, nể nang làng xã. Một bộ phận cán bộ chưa chấp hành nghiêm túc quy trình TTKS, thực hiện chưa đúng những quy định về kiểm tra, kiểm soát, về thái độ, tác phong, lời nói trong khi thực hiện nhiệm vụ trước nhân dân. Một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của công an xã trong việc bảo đảm TTATGT, xử phạt các hành vi vi phạm về TTATGT, do đó có không ít trường hợp cản trở, không chấp hành, thậm chí chống lại lực lượng công an xã gây ra những hậu quả đáng tiếc: Đã xảy ra 67 vụ chống lại công an xã khi làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, làm 3 đồng chí hy sinh. Quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của công an xã được tiến hành trên các tuyến đường liên xã, liên thôn và đối tượng vi phạm phần lớn là người dân địa phương, ít nhiều có quan hệ thân quen, họ hàng, làng xã nên việc kiểm tra, xử lý còn nể nang và gặp khó khăn. Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của công an cấp trên còn hạn chế. Trang bị công cụ, phương tiện, trang phục cho công an xã còn thiếu nhiều (khi tuần tra chủ yếu sử dụng xe mô tô cá nhân); kinh phí, chế độ bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục UTGT), chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác bảo đảm TTATGT phải được thực hiện từ gốc, từ các cấp cơ sở; do đó, đòi hỏi sự huy động tổng hợp của các lực lượng tham gia công tác bảo đảm TTATGT từ cơ sở, trong đó lực lượng cảnh sát và công an xã là nòng cốt.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT tham gia thực hiện nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn thì cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, trực tiếp là Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết. Theo đó, quy định nhiệm vụ bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn là việc làm thường xuyên, liên tục của lực lượng công an xã, không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra khi cần thiết, mà phải chú trọng các biện pháp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về bảo đảm TTATGT; tham gia tổ chức giao thông nông thôn...; giao trách nhiệm cho chính quyền cấp cơ sở xã, phường chịu trách nhiệm về bảo đảm ATGT nông thôn; chú trọng công tác tổ chức giao thông khu vực nông thôn, các yếu tố ATGT, hệ thống biển báo hiệu, các công trình và thiết bị phụ trợ…

Công an xã phải tham mưu tốt cho Đảng ủy và UBND xã thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, coi đây là trách nhiệm của toàn xã hội, chính quyền xã, các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông để huy động các lực lượng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đưa Luật Giao thông đường bộ thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về TTATGT và giảm TNGT đường bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ với những nội dung, hình thức và biện pháp thiết thực với từng đối tượng tham gia giao thông ở các vùng miền cho phù hợp; tập trung chủ yếu vào các đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh thường xuyên đi học bằng mô tô, xe máy điện ở vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ nhằm hạn chế vi phạm, góp phần làm giảm TNGT đường bộ.

Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT đường bộ cho các lực lượng cảnh sát khác và công an xã để nắm và vận dụng có hiệu quả vào quá trình công tác; lãnh đạo, chỉ huy công an các địa phương phải chấn chỉnh, đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tham gia bảo đảm TTATGT đường bộ của cảnh sát khác và công an xã để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai phạm tiêu cực trong hoạt động TTKS; có chính sách động viên khen thưởng thích đáng về tinh thần, vật chất đối với những tấm gương liêm khiết và xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm nghiêm trọng.

Cảnh sát khác và công an xã phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống vì nhân dân phục vụ; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai phạm, sách nhiễu với nhân dân; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa - vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua do Bộ Công an phát động.

Ý kiến của bạn

Bình luận