IMF cũng cắt giảm dự báo về khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu. Tổng lưu lượng hàng hoá và dịch vụ dự kiến tăng 4,2% trong năm nay và 4% vào năm tới, thấp hơn 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với những ước tính trước đó. |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả thế giới.
IMF cho biết hiện tại nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3,7% trong năm nay và năm tới, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đây, theo báo cáo kinh tế thế giới mới nhất được IMF công bố hôm thứ Ba (9/10).
Các dự báo trước đây dường như đã "quá lạc quan", trong khi những rủi ro đến từ "sự xáo trộn ngày một nhiều của các chính sách thương mại" đã trở nên rõ ràng hơn, theo Maurice Obstfeld, kinh tế gia trưởng của IMF.
Ông nói thêm: "Những tác động của chính sách thương mại và sự xáo trộn đang trở nên rõ ràng ở cấp độ vĩ mô, trong khi minh chứng về việc này lại xuất hiện ngày một nhiều, thể hiện ở việc ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty. Chính sách thương mại phản ánh chính trị và tình hình chính trị ở một số quốc gia vẫn chưa ổn định, tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa."
Hơn nữa, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong cuộc chiến thuế quan cũng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn so với ước tính ban đầu. IMF đã giữ mức dự báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 2,9% và 6,6% trong năm nay nhưng cho biết con số này sẽ tăng chậm hơn dự kiến ở mức lần lượt là 2,5% và 6,2% vào năm 2019.
Đối với các thị trường mới nổi - nhóm các nền kinh tế chịu áp lực từ làn sóng bán tháo trong những tháng gần đây - IMF đã đưa ra mức cắt giảm lớn hơn.
"Dự báo tiêu cực đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang trở nên nghiêm trọng hơn", ông Obstfeld nói. "Nói chung, chúng tôi thấy dấu hiệu kém đi của hoạt động đầu tư và sản xuất, cùng với tăng trưởng thương mại yếu hơn."
IMF cho biết trong bản báo cáo, dự báo cắt giảm đã được chỉnh sửa lần này đặc biệt chú ý vào các quốc gia: Argentina, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.