J-15S của Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị "khai tử"

Sản phẩm 25/03/2017 15:35

Dự án chế tạo tiêm kích hạm J-15S có thể bị hủy bỏ, phi công Hải quân Trung Quốc sẽ được đào tạo trên những loại máy bay khác,

203-246277-290478-1490173284567-0-6-586-950-crop-1

Tiêm kích hạm J-15S - Phiên bản hai chỗ ngồi của J-15 Flying Shark

Trong năm 2014, Trung Quốc công bố đang kiểm tra đánh giá phiên bản hai chỗ ngồi của tiêm kích hạm J-15 với tên định danh J-15S. Theo kế hoạch, J-15S sẽ có tổng cộng 3 biến thể gồm: máy bay huấn luyện tiên tiến nhằm đào tạo phi công J-15, máy bay chiến đấu đa năng và máy bay tác chiến điện tử (tương tự EA-18G Growler của Hải quân Mỹ).

Cùng với đó, hình ảnh chiếc J-15 hai chỗ ngồi mang màu sơn vàng đặc trưng dành cho phi cơ thử nghiệm cũng liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, có cảm giác như thời điểm J-15S được tuyên bố sẵn sàng vào biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã cận kề.

Báo chí Trung Quốc từng coi J-15 Flying Shark là một trong những niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng nước này, đây là thế hệ tiêm kích hạm đầu tiên của họ với khả năng tấn công và phòng thủ "đặc biệt xuất sắc", có thể truy tìm và tiêu diệt mọi mục tiêu cả trên không lẫn trên biển từ cự ly xa với độ chính xác cao.

Tuy nhiên do ôm đồm nhiều tính năng, mức độ tự động hóa chưa cao, kinh nghiệm vận hành tàu sân bay còn ít ỏi... dễ dẫn tới tình trạng quá tải của phi công, dẫn tới đòi hỏi tất yếu là phải chế tạo thêm biến thể J-15 hai người lái với đầy đủ tính năng nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác.

Đây cũng là hướng đi được các tập đoàn chế tạo hàng không lớn theo đuổi, bằng chứng là những loại tiêm kích hiện đại đều có phiên bản hai chỗ ngồi, trong đó phi công chính phụ trách lái và điều khiển vũ khí cận chiến, phi công hoa tiêu ngồi sau đảm trách thao tác vũ khí tấn công tầm xa. Sự chuyên môn hóa này ngoài tác dụng giảm tải còn giúp tăng hiệu quả tác chiến.

Giấc mơ tiêm kích hạm J-15S của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ không thành sự thật

Mang nhiều kỳ vọng và có tính cấp thiết như vậy nhưng hiện chưa rõ vì sao dự án J-15S lại đang đứng trước nguy cơ bị "khai tử", rất có thể nó chưa đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu từ phía Không quân Hải quân Trung Quốc (một trong số các nhận định được đưa ra và thu hút nhiều sự chú ý đó là trọng lượng của J-15S quá nặng so với tàu sân bay dùng đường cất cánh nhảy cầu).

Trong thời gian trước mắt, các phi công Hải quân Trung Quốc sẽ được huấn luyện trên máy bay phản lực JL-9G từ một "tàu sân bay trên cạn", kết thúc giai đoạn này, họ chuyển tiếp qua lái J-15 phiên bản một chỗ ngồi rồi mới biên chế về tàu Liêu Ninh.

Phi công Hải quân Trung Quốc tập huấn từ đường cất cánh kiểu nhảy cầu xây trên cạn

Nhưng cũng không loại trừ khả năng dự án J-15S sẽ được cung cấp một chiếc "phao cứu sinh" vào thời điểm khẩn nguy, vì xét cho cùng nó vẫn là phương tiện không thể thiếu đối với PLAN, họ có đủ nguồn lực tài chính, khoa học kỹ thuật cũng như tham vọng để chiếc tiêm kích hạm hai người điều khiển này thoát khỏi nguy cơ "chết yểu".

Ý kiến của bạn

Bình luận