Vì sao Trump không thể từ bỏ các phát ngôn công kích?

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 24/03/2017 09:56

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tạo dựng hình ảnh cứng rắn và các phát ngôn công kích,

trump-republicans-vita-6358-1490172282_xzfm

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay vẫn nổi tiếng là một người bạo miệng, thường xuyên có những phát ngôn mang tính công kích, gây tranh cãi. Nhưng mới đây nhất, Trump đã phải nhận "phản đòn" bất ngờ khi lời cáo buộc của ông về việc cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh nghe lén Tháp Trump bị bác bỏ và phản đối mạnh mẽ. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 20/3, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cũng phủ nhận cáo buộc trên, theo New York Times.

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn không chịu dừng lại. Ngay sau phiên điều trần, ông lập tức đăng tải một dòng thông điệp trên tài khoản mạng xã hội Twitter, lái vấn đề sang một hướng khác nhưng vẫn nhắm mục tiêu vào người tiền nhiệm.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn được cho là đã gọi nhiều cuộc điện thoại tới đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để thảo luận vấn đề xóa bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow. Nghị sĩ bang Nam Carolina Trey Gowdy hôm qua chất vấn liệu giám đốc FBI từng thông báo cho chính quyền Obama về những cuộc trao đổi này hay chưa.

"Giám đốc FBI Comey không phủ nhận việc có thông báo cho Tổng thống Obama về những cuộc gọi giữa ông Michael Flynn và Nga", Trump viết trên Twitter.

Vậy nguyên nhân nào khiến Tổng thống Trump không chịu từ bỏ những phát ngôn công kích dù đang ở thế yếu?

Hình ảnh cứng rắn

Đầu tiên, các cố vấn cho hay Trump luôn bị thôi thúc bởi suy nghĩ cần phải chứng minh cho những người chỉ trích thấy rõ tính hợp pháp, chính thống của chức tổng thống mà ông đang đảm nhận.

"Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ là công cụ mà các đối thủ chính trị sử dụng để phi chính thống hóa nhiệm kỳ tổng thống cũng như những chương trình nghị sự của ông ấy", Sam Nunberg, cố vấn chính trị lâu năm cho Tổng thống Trump, bình luận. "Trump sẽ chống trả và làm điều đó tốt hơn bất kỳ ai ở Nhà Trắng này".

Thứ hai, hành động chống trả lại những lời khẳng định cho rằng cáo buộc nghe lén điện thoại Trump đưa ra hoàn toàn sai sự thật là một phần quan trọng làm nên hình ảnh đặc trưng của Tổng thống Mỹ, chuyên gia nhận định. Trump lâu nay vẫn được nhìn nhận như một người không ngại đấu tranh với bất kỳ ai ông cho là mối đe dọa.

Sự cố chấp của Trump trước cáo buộc nghe lén hay cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ không phải điều quá mới mẻ, Tim O'Brien, tổng biên tập Bloomberg View nhận xét. "Ông ấy vẫn thế suốt 45 năm qua".

"Trump cực kỳ bất an về cách thế giới nhìn nhận ông, về việc liệu ông có thẩm quyền và xứng đáng với những gì được nhận", O'Brien cho biết thêm. " Ở ông ấy có một niềm khát khao mạnh mẽ cho tình yêu và sự thừa nhận. Đấy là lý do vì sao ông ấy không thể yên lặng, dù lùi bước là một quyết định khôn ngoan, cả về mặt chiến lược lẫn cảm xúc".

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đáp trả mọi mũi nhọn công kích nhắm vào mình, đặc biệt từ truyền thông. Tỷ phú Mỹ nêu tên tất cả những phóng viên chỉ trích ông tại các buổi vận động tranh cử.

Hồi cuối tháng một, trên các trang mạng lan truyền bức ảnh cho thấy lượng người tham gia lễ nhậm chức của Trump ít hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Tổng thống Mỹ đã lập tức ra lệnh cho thư ký báo chí Sean Spicer tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng để tố báo chí "thiên vị" khi đưa tin về quy mô đám đông dự sự kiện.

Hình ảnh cứng rắn dường như là thứ mà Trump muốn bảo vệ hơn cả và mọi việc ông làm có lẽ đều hướng tới mục tiêu này, cây bút Glenn Thrush và Maggie Haberman từ NYTimes nhận xét.

Từ khi còn là ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, Trump đã muốn xây dựng hình ảnh nghiêm khắc, mạnh mẽ, loại trừ mọi dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, các cố vấn cho hay.

Thứ ba, yếu tố đánh lạc hướng cũng là một động lực quan trọng. Trump có thể thay đổi những chủ đề lấy ông làm trọng tâm chỉ trích bằng cách tung ra các giả thuyết vô căn cứ hay công kích người  tiền nhiệm Obama, giới quan sát đánh giá.

Thời điểm Trump viết dòng tweet gây tranh cãi về cáo buộc nghe lén, ông có lẽ đang cố gắng hướng sự chú ý của dư luận khỏi sự việc Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ không đề cập đến chuyện ông từng có liên hệ với đại sứ Nga tại Mỹ.

Theo David Axelrod, một trong các cố vấn thân cận cho cựu tổng thống Obama, "bằng những dòng tweet gai góc, không dàn xếp, Trump đã xóa bỏ những câu chuyện mà chính quyền của ông ấy muốn kể".

Cuối cùng, tại Nhà Trắng, không ai có thể ngăn cản Tổng thống Trump. Các cố vấn cho biết họ gần như không thể nói với Trump rằng ông đã phạm sai lầm hoặc đi quá xa trên Twitter.

Mặt khác, hai cá nhân đủ sức thay đổi suy nghĩ của Trump lại tỏ ra không mấy mặn mà, theo NYTimes. Chiến lược gia trưởng Stephen K. Bannon từng khuyên Trump điều chỉnh hành vi vào giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử song thực tế ông là người chia sẻ nhiều quan điểm nhất với Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, cố vấn hàng đầu Gary Cohn chỉ thích đưa ra những lời khuyên về kinh tế hoặc vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong một cuộc họp gần đây tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ông Cohn đang nói thì Tổng thống Trump ngắt lời. Lúc bấy giờ, Cohn đã yêu cầu Trump "để nói hết câu", theo một nguồn tin am hiểu vấn đề. Tổng thống Trump, người không quen với việc nhường sân khấu, im lặng và để vị cố vấn tiếp tục.

Ý kiến của bạn

Bình luận